Văn hoá Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập tựa ‘hơi thở’ tại tổ chức phi lợi nhuận
“DE&I trong môi trường làm việc ở DRD tự nhiên như hơi thở và lồng ghép vào từng hoạt động dù nhỏ nhất” - Trần Thúy Quỳnh Ngân, Quản lý truyền thông tại DRD Việt Nam - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật, cho biết. Vậy, DE&I là gì mà nó gần như được xem là yếu tố không thể thiếu tại DRD?
Mô hình “kiềng ba chân” DE&I là chiến lược nhân sự được các doanh nghiệp chú trọng
Tại nhiều quốc gia, DE&I không phải là thuật ngữ mới mẻ. Nó là từ viết tắt của đa dạng (diversity), bình đẳng (equity) và hòa nhập (inclusion), đặc biệt được nhiều người nhắc đến nhất là sau phong trào Black Lives Matter tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy. Những năm gần đây, các doanh nghiệp, tổ chức nhận ra rằng sự đa dạng là một lợi thế cạnh tranh, mang lại sự đổi mới và khả năng thích ứng giữa thị trường luôn biến động. Đa dạng không chỉ giới hạn ở giới tính, sắc tộc hay tuổi tác, mà còn bao gồm quốc tịch, khả năng về sức khỏe và quan điểm. Theo Forbes, các công ty có lực lượng lao động đa dạng có khả năng đạt được lợi nhuận tài chính cao hơn 35% so với các doanh nghiệp “một màu”. Một cuộc khảo sát của Glassdoor cho thấy 69% nhà lãnh đạo coi DE&I là một vấn đề cấp thiết.
Chị Ngân trong Mở Đường Dẫn Lối mùa 2
Môi trường làm việc DE&I là nơi mỗi cá nhân được tôn trọng và lắng nghe ý kiến, bất kể xuất thân, học thức hay địa vị. Tại những tổ chức phi lợi nhuận như DRD, DE&I càng được chú trọng. Quỳnh Ngân, khách mời tập 3 Mở Đường Dẫn Lối mùa 2, cho biết thúc đẩy đa dạng, công bằng, hòa nhập và thay đổi nhận thức về người khuyết tật là một trong những mục tiêu then chốt của DRD trong suốt hơn 18 năm phát triển.
DRD tích hợp DE&I trong môi trường làm việc thông qua từng hoạt động có quy mô từ nhỏ đến lớn. Trung tâm luôn tạo điều kiện để mọi đối tượng được tiếp cận tuyển dụng và thăng tiến bình đẳng. Đồng thời, DRD quản lý theo hiệu quả công việc. Giờ làm việc của mỗi nhân sự được linh hoạt nhằm cân bằng đời sống và sự nghiệp. Tổ chức cũng loại bỏ những định kiến vô thức thông qua việc ban hành quy tắc ứng xử nhằm tạo môi trường làm việc đảm bảo các yếu tố đa dạng, công bằng và hòa nhập.
Với văn hóa này, mọi sự khác biệt đều được ghi nhận và khuyến khích phát triển, hình thành cho DRD một cá tính rất riêng, còn mỗi nhân sự mang trong mình “DNA” tôn trọng sự đa dạng, công bằng và hoà nhập. Trong đó, lãnh đạo các cấp đóng vai trò làm gương, truyền cảm hứng, tạo động lực và dẫn dắt tổ chức đi đúng hướng. Giá trị của DRD tập trung vào việc vì người khuyết tật, tin tưởng vào khả năng của người khuyết tật, hướng đến giá trị bền vững và minh bạch. Bất kỳ nhân sự nào phù hợp với hệ giá trị này đều có thể dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc.
DRD Việt Nam, tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm nâng cao năng lực và hòa nhập xã hội cho cộng đồng người khuyết tật (Ảnh: DRD Vietnam).
Bộ phận chuyên tư vấn DE&I trong môi trường làm việc cho doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng tại DRD. Tính đến nay, DRD đã kết nối hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ, lao động chính thức và phi chính thức, trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động là người có khuyết tật. Ngân kể: “Trước đây, một số doanh nghiệp tìm đến DRD nhưng từ chối tuyển dụng người khuyết tật về nghe vì nghĩ người điếc không nghe nói được thì không thể làm việc được. Sau quá trình tư vấn và đồng hành của DRD, giờ đây nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng người khuyết tật có các khuyết tật đa dạng và ít hiện diện như người điếc”.
Song song đó, DRD đã đồng hành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giúp tìm ra giải pháp và có các chính sách điều chỉnh phù hợp để sẵn sàng tuyển sinh người khuyết tật. “Nếu trước đây nhiều nhà tài trợ tìm đến DRD hỗ trợ người khuyết tật theo dạng từ thiện bằng cách tặng quà, tặng hiện kim vì nghĩ người khuyết tật đáng thương, không có khả năng, thì giờ đây những nhà tài trợ của DRD đều hiểu và nhìn vào khả năng của người khuyết tật. Họ đã chuyển hướng hỗ trợ mang tính chất lâu dài hơn như hỗ trợ học bổng, việc làm hay vốn sinh kế”, Quỳnh Ngân cho hay.
DRD tại Lễ hội âm nhạc Thu hẹp khoảng cách - BridgeFest 2023(Ảnh: DRD Vietnam)
Tuy nhiên, hành trình xây dựng văn hoá DE&I tại DRD cũng gặp không ít trở ngại. Tổ chức vẫn luôn tiếp tục cập nhật, hoàn thiện mỗi ngày. Cột mốc đáng nhớ trong chiến lược phát triển là DRD đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Logo mới của DRD không xuất hiện hình ảnh khuyết tật mà chỉ thấy một hình ảnh nụ cười của "Đời rất Đẹp". Bộ nhận diện thương hiệu mới được đánh giá mang tính truyền cảm hứng về DE&I, mong muốn truyền tải thông điệp khi nhìn người khuyết tật ở điểm mạnh, ở giá trị, năng lực. “Khi ta xem khuyết tật là một sự đa dạng, khi ấy ta sẽ tôn trọng phẩm giá của người khuyết tật. Khi nhìn vào phẩm giá, ta sẽ tin là người khuyết tật có khả năng, và khi ấy xã hội sẽ tạo cơ hội công bằng để người khuyết tật hòa nhập”, Ngân nói.
Ngoài ra, với vị trí Quản lý truyền thông, Ngân cũng phải liên tục áp dụng, lồng ghép, thực hành trong từng hoạt động truyền thông suốt quá trình làm việc. Cô cho biết, thời gian đầu sẽ phải liên tục soi chiếu những giá trị này. Nhưng khi thực hành đã trở thành thói quen thì bản thân cô sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều nếu có điều gì đó xung đột với hệ giá trị này. Ngân nghĩ rằng để DE&I trở thành văn hóa, đòi hỏi mỗi cá nhân phải kiên trì thực hành.
“Mọi thay đổi đều bắt đầu từ việc chúng ta nhận ra vấn đề đang tồn tại rồi tìm cách giải quyết. Với mình, làm truyền thông cũng giống như bạn đang bắn một tín hiệu đẹp trên bầu trời, người quan tâm sẽ nhìn ngắm tín hiệu ấy, soi chiếu lại bản thân và nhìn nhận vấn đề. Vai trò của truyền thông trong bối cảnh hiện tại chính là thúc đẩy nhận thức về vấn đề DE&I nói chung và nhận thức về vấn đề khuyết tật nói riêng. Khi chúng ta nhận ra vấn đề, giải quyết thì các cá nhân và tập thể sẽ thụ hưởng những lợi ích ra sao. Và rồi chúng ta sẽ cùng chung tay để tạo ra sự thay đổi”, cô bộc bạch.
Bên cạnh đó, việc cân đo đong đếm những việc phải làm, nên làm và cần làm luôn khiến Ngân trăn trở rất nhiều. Với nguồn lực hạn chế, đôi khi có những ý tưởng rất ngầu, rất hoành tráng cũng đành gác lại để chờ đến thời điểm phù hợp hơn. Cô luôn hi vọng rằng, khi mỗi cá nhân làm tốt công việc của mình và nâng cao chất lượng sản phẩm, sẽ giúp văn hoá DE&I lẫn ngành truyền thông tạo tác động trong các tổ chức phi lợi nhuận đi lên từng ngày.
Chuỗi nội dung Mở đường dẫn lối mùa hai được Dear Our Community hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered sản xuất, dưới sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí điện tử Nhà quản trị (TheLEADER). Chương trình sẽ đưa khán giả tới thăm các văn phòng, công ty, nơi làm việc của những vị khách mời đến từ một số tổ chức, doanh nghiệp như Heineken, Sanofi, De Heus, Nhang Lộc Thành... để tìm hiểu cách thực hành, giải quyết các vấn đề hướng đến sự bền vững tại doanh nghiệp. Theo dõi chương trình Mở Đường Dẫn Lối mùa hai tại: Apple Podcasts | Spotify | YouTube | Website. |
Ánh Chân
Comments