Truyền thông tạo tác động xã hội - Một xu hướng mới
Đối với các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận có bộ phận chuyên trách về CSR, ESG, truyền thông tạo tác động xã hội là một phần không thể thiếu trong chiến lược hoạt động.
Truyền thông là công cụ quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tạo dựng niềm tin đến khách hàng… Tuy nhiên, một số người sẽ có quan điểm mơ hồ hoặc hạn chế về khả năng của truyền thông trong xã hội ngày nay. Họ nghĩ rằng truyền thông chỉ là công cụ để truyền tải thông điệp mà không thực sự ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của mọi người. Thế nhưng, truyền thông tạo tác động xã hội có thể mang lại những trải nghiệm và hiểu biết mới mẻ về cách thức hoạt động của truyền thông và ảnh hưởng của nó đối với cộng đồng.
Bạn biết đấy, ba mục tiêu đặc thù trong hoạt động truyền thông tạo tác động xã hội là xây dựng nhận thức, truyền thông vận động chính sách và truyền thông gây quỹ. Trên thực tế, tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể có những mục tiêu khác nằm ngoài ba mục tiêu này. Một tổ chức hay doanh nghiệp dĩ nhiên có nhiều hơn một mục đích truyền thông, một chiến dịch cần phải xác định mục tiêu nào cao hơn so với các mục tiêu còn lại.
Truyền thông xây dựng nhận thức
Đầu tiên, truyền thông xây dựng nhận thức là hoạt động truyền thông nhằm mục đích giới thiệu, giáo dục hoặc thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về một vấn đề nào đó. Đối với mục tiêu này, việc duy trì sự hứng thú của người đọc hoặc người xem trong thời gian dài là rất quan trọng vì nhận thức không phải là thứ có thể thay đổi một sớm một chiều. Khi tổ chức hay doanh nghiệp có sứ mệnh phải xây dựng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về một chủ đề hay vấn đề nào đó, người làm truyền thông phải đối diện với một thách thức đó là làm sao để truyền đạt vấn đề này trong một thời gian dài mà vẫn giữ được sự quan tâm của cộng đồng.
Chiến dịch "30 ngày hiểu về tự kỷ" của Saigon Children's Charity là một ví dụ về cách sử dụng truyền thông để tạo ra tác động xã hội tích cực và tăng cường nhận thức về một vấn đề quan trọng trong cộng đồng. Mỗi năm vào ngày 02/04, ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, tổ chức này thực hiện các chiến dịch nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng về rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Ví dụ, trong năm 2021, họ thực hiện chiến dịch nhằm phá bỏ hiểu lầm về tự kỷ, vào năm 2022, họ đưa ra góc nhìn của những ba mẹ có con tự kỷ. Chiến dịch tận dụng những ngày kỷ niệm và tạo ra sự cộng hưởng với các hoạt động khác. Điều này giúp tăng cường hiệu quả và đa dạng hóa nội dung, giảm thiểu cảm giác nhàm chán cho khán giả.
Saigon Children's Charity là một tổ chức phi lợi nhuận đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn (Nguồn: Saigon Children's Charity)
Truyền thông vận động chính sách
Truyền thông vận động chính sách là quá trình tạo ra thay đổi trong các chính sách của các cơ quan chức năng. Quá trình này bắt đầu bằng việc lựa chọn vấn đề cần thay đổi và thu hút sự chú ý của công chúng đối với vấn đề đó. Việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng thường là một phần của vận động chính sách, vì sự thay đổi trong nhận thức ở cộng đồng mới dẫn đến sự thay đổi trong chính sách. Để có thể làm tốt việc vận động, chúng ta cần hiểu về bối cảnh chính trị, truyền đạt thông điệp và sử dụng dữ liệu thực tế.
Truyền thông gây quỹ
Hiện nay, ở Việt Nam, có một xu hướng tăng lên trong việc các tổ chức tham gia vào hoạt động gây quỹ. Vì thế, chúng ta thấy càng nhiều nội dung gây quỹ đa dạng. Một nội dung gây quỹ cần đảm bảo ít nhất các yếu tố sau. Trước hết, cần phải nêu rõ vấn đề đang gặp phải, cung cấp số liệu hoặc câu chuyện cụ thể là một cách hiệu quả để minh họa vấn đề. Yếu tố thứ hai là giải pháp, cần phải đưa ra cách thức giải quyết vấn đề một cách đơn giản và dễ hiểu. Và quan trọng nhất, đó là minh bạch tài chính.
Dự án "Nuôi em" nhằm kêu gọi các mạnh thường quân nuôi ăn trưa cho học sinh vùng cao với 8,5 nghìn đồng/bữa/em. (Nguồn: tienphong.vn)
Thách thức hay cơ hội?
Ngành truyền thông hiện đang trải qua một giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhờ sự tiến bộ của công nghệ thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số và truyền thông xã hội. Tuy nhiên, trong ngành truyền thông, có nhiều thách thức và khó khăn cần phải đối mặt. Các tiêu chuẩn cộng đồng và sự cạnh tranh khắt khe hơn từ nhu cầu của người dùng. Họ ngày càng nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với những thông tin gây phiền toái cũng như yêu cầu cao hơn về nội dung thật sự có giá trị và tác động.
Để vượt qua điều này, người làm truyền thông cần phải tập trung vào việc nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng xanh và cập nhật các xu hướng xã hội. Việc áp dụng những kiến thức mới vào công việc hiện tại cũng sẽ đóng góp vào việc xây dựng nhận thức và tạo tác động tích cực trong xã hội.
Xem thêm: Khóa học e-Learning Truyền Thông Tạo Tác Động Xã Hội để có thể lan tỏa thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng. Tham gia DOC Talents để kết nối với mạng lưới Doanh Nghiệp của DOC nhằm tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững: Các bạn tham gia vào group Sự Nghiệp Hạnh Phúc để cùng với DOC lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau phát triển thật bền vững nhé. |
Ánh Chân
Comments