Quyên góp bao nhiêu là đủ?
Giữa những tranh luận xoay quanh việc từ thiện và sao kê “check var” trên mạng, ở phần lời nhắn khi chuyển khoản, có rất nhiều người áy náy, họ “xin lỗi” chỉ có thể đóng góp một phần nhỏ.
Với người Việt Nam, truyền thống "lá lành đùm lá rách" không chỉ xuất hiện khi có thiên tai, lũ lụt hay đại dịch như Covid-19 mà luôn được thể hiện mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, câu chuyện từ thiện tốt – vốn luôn mang ý nghĩa cao đẹp – lại vướng nhiều tranh cãi.
Sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai hơn 12.000 trang sao kê về các khoản tiền ủng hộ cho đồng bào vùng lũ, việc “check VAR” lại thu hút sự chú ý nhiều người. Cư dân mạng đã phát hiện ra một số cá nhân nổi tiếng "phông bạt" số tiền họ đóng góp, làm một đằng nhưng “khoe” lên mạng một nẻo. Ngay lập tức, cộng đồng mạng biến thành những "trọng tài VAR", không ngừng kiểm tra các khoản tiền và phát hiện nhiều trường hợp không minh bạch.
Song song đó, nếu tra cứu cụm từ "xin lỗi" trong các bản sao kê mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố, bạn sẽ thấy nhiều người xin lỗi vì "chỉ ủng hộ được chừng này". Họ cảm thấy có lỗi vì số tiền ủng hộ của mình quá ít ỏi. Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn: giữa những tranh luận về từ thiện và những đòi hỏi minh bạch trên mạng, nhiều người vẫn băn khoăn liệu quyên góp bao nhiêu mới được coi là đủ.
Của cho không bằng cách cho
Việc từ thiện, quyên góp không nên bị biến thành một cuộc thi, nơi người đóng nhiều hơn được coi là tốt đẹp hơn. Không ít người cảm thấy áp lực khi nhìn thấy những khoản đóng góp khổng lồ từ các cá nhân nổi tiếng, hay những người có khả năng tài chính lớn. Truyền thông thường tôn vinh những khoản quyên góp hàng tỷ đồng, nhấn mạnh tấm lòng hào phóng của các cá nhân này. Dĩ nhiên, tuyên dương các cá nhân, tổ chức tích cực làm thiện nguyện là việc nên làm, để lan toả thông điệp đùm bọc nhau lúc khó khăn. Tuy nhiên, đôi khi, cũng có người nghĩ chỉ những đóng góp lớn mới đáng được ghi nhận.
Sự thật là, bất kỳ đóng góp nào, dù lớn hay nhỏ, đều có giá trị. Điều này không chỉ nằm ở số tiền, mà còn ở lòng thành và ý nghĩa của hành động. Khi lấy tiền bạc làm thước đo nhân cách, nhiều người dễ dàng rơi vào cảm giác tội lỗi và tự ti vì nghĩ rằng mình không đóng góp đủ. Nhưng chính sự đóng góp chân thành, dù chỉ là một số tiền nhỏ, mới thực sự đáng trân trọng.
Từ thiện là hành động xuất phát từ lòng nhân ái, với mong muốn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người nhận. Giá trị của việc từ thiện không nằm ở món quà vật chất mà ở tình cảm chân thành được gửi gắm trong đó. Dù sự đóng góp có nhỏ bé đến đâu, nếu được thực hiện đúng cách và đúng tinh thần từ thiện, thì đều mang ý nghĩa sâu sắc.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, và khả năng tài chính cũng khác nhau. Có những người chỉ có thể quyên góp một số tiền nhỏ, nhưng với họ, đó là sự cố gắng hết sức. Điều quan trọng không phải là số tiền lớn hay nhỏ, mà là ý chí và tấm lòng hướng tới cộng đồng. Cố gắng để mỗi người, dù quyên góp 1 ngàn hay 1 tỷ, cũng đều cảm thấy vui và tự hào vì đã góp phần vào sứ mệnh tốt đẹp của xã hội.
Các em học sinh lớp 4A1, trường Tiểu học Ba Đình - Hà Nội gửi tặng đồ ăn đến đồng bào bị lũ lụt ở miền núi phía Bắc (Ảnh: Thái Đặng)
Trong một xã hội mà giá trị vật chất đôi khi được đề cao quá mức, lòng tốt của mỗi người giống như một ngọn đèn nhỏ le lói giữa cơn gió lớn. Tuy mỏng manh, nhưng chính những ngọn đèn ấy lại mang đến ánh sáng tốt lành, lan tỏa lòng nhân ái. Điều chúng ta cần là bảo vệ và duy trì những ngọn lửa đó, để truyền lửa và tiếp thêm hy vọng cho nhiều người khác.
Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi "quyên góp bao nhiêu là đủ?" không nằm ở con số. Đủ hay không là ở tâm niệm và tấm lòng. Bạn không cần phải so sánh mình với bất kỳ ai khác. Hãy quyên góp với tấm lòng chân thành nhất, dù số tiền bạn có thể ủng hộ là bao nhiêu đi nữa. Chính những điều nhỏ bé ấy sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi lớn trong cộng đồng.
Ánh Chân
コメント