NHÌN LẠI 2022 VỚI TỪ KHOÁ “TẠO TÁC ĐỘNG XÃ HỘI" & “PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG"
Sau sự kiện COP26 (12/2021), nơi mà Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; 2022 được cho là một năm mà các chủ đề liên quan tới “phát triển bền vững”, “tạo tác động xã hội” chiếm sóng ở nhiều diễn đàn, kênh thông tin khác nhau.
Dear Our Community mời bạn cùng nhìn lại những sự kiện và xu hướng nổi bật liên quan tới tác động xã hội trong năm 2022 - những sự kiện đang góp phần vào tạo ra những thay đổi liên quan tới chính công việc, ngành nghề trong những năm tới, mà bạn trẻ không thể bỏ qua.
Một loạt các sự kiện về “impact" - tạo tác động
2022 được xem là năm để các doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Nhưng đây cũng được xem là năm các sự kiện xung quanh chủ đề “tác động xã hội", “phát triển bền vững" được đề cập và diễn ra với tần suất lớn.
Đơn cử như sự kiện Forbes Impact Business Summit 2022 được tổ chức bởi Forbes Việt Nam với sự đồng hành của Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN - lần đầu tiên, một tổ chức phi lợi nhuận đồng hành cùng một đơn vị truyền thông, cùng tạo ra sự kiện về Kinh doanh tạo tác động, nhằm nêu bật được vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững nói chung. Sự kiện quy tụ hơn 600 khách mời tham gia đến từ nhiều khu vực hoạt động: công, tư, các tổ chức phi lợi nhuận cùng lắng nghe và thảo luận các vấn đề liên quan. Chương trình đi kèm series 04 video trao đổi với khách mời, chuyên gia về các lĩnh vực như: đầu tư tạo tác động, doanh nghiệp chuyển mình hướng tới nền kinh tế trung hoà carbon, hay tạo tác động trong lĩnh vực y tế, …
Sự kiện Vietnam Summit Innovator 2022 với nội dung chính xoay quanh Chuyển đổi số và phát triển bền vững là tương lai của Việt Nam cũng quy tụ hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, các cá nhân có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh và xã hội. Tại đây, các diễn giả cũng nhận định rằng: "Bền vững không phải là một lựa chọn. Đó là xu hướng bắt buộc mà doanh nghiệp cần nắm bắt và triển khai vì Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu" - ông Bruce Delteil, Managing Partner của McKinsey & Company tại Việt Nam chia sẻ.
Nguồn hình ảnh: Vietcetera
Các sự kiện như lễ trao giải của Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức; sự kiện công bố “TOP 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững năm 2022” do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức; hay sự kiện Báo TheSaigonTimes tôn vinh Doanh nghiệp vì cộng đồng 2022 cùng với tọa đàm “Đầu tư cho những giá trị” - được xem là những hoạt động mà các tổ chức, cơ quan báo chí, truyền thông đang thực hiện nhằm đưa chủ đề về phát triển bền vững, tác động xã hội mạnh mẽ hơn trong khối tư nhân, đồng thời, nâng cao vai trò của doanh nghiệp như một lực đẩy để góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Nguồn hình ảnh: The Saigon Times
Năm của các báo cáo về ESG, Bền vững
Cũng trong năm nay, một loạt các báo cáo về ESG và Phát triển bền vững được các công ty tư vấn & kiểm toán lớn tại Việt Nam cho ra mắt. Trong đó phải kể đến báo cáo:
Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam do PwC thực hiện, cho thấy có tới 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2-4 năm tới. Dù hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG, nhưng những cam kết này cùng với xu thế tất yếu trong quá trình phát triển, cạnh tranh trên thị trường sẽ buộc các doanh nghiệp quan tâm & đầu tư nhiều hơn cho vị trí công việc làm về ESG, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những cá nhân, bạn trẻ quan tâm tới lĩnh vực ESG trong tương lai gần.
Trong khi đó, Báo cáo Phát triển bền vững 2022: Bước tiến nhỏ, thay đổi lớn do KPMG thực hiện, trình bày những phát hiện nổi bật như:
Ngày càng nhiều công ty công bố báo cáo phát triển bền vững, 79% các công ty hàng đầu xuất bản báo cáo về tính bền vững.
Trong số hàng nghìn báo cáo được phân tích, dưới 50% số công ty lớn nhất thế giới cung cấp báo cáo về yếu tố ‘xã hội’ và ‘quản trị’ trong ESG.
Nguồn: KPMG
Khảo sát về Báo cáo Phát triển Bền vững 2022 của KPMG là một trong những nghiên cứu mang tính bao quát về lĩnh vực này, dựa trên phân tích các báo cáo tài chính, báo cáo phát triển bền vững và báo cáo về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), cũng như các trang web của 5.800 công ty ở 58 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực pháp lý.
Báo cáo cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp toàn cầu về chủ đề “phát triển bền vững" ở góc độ thực chất hơn, từ đó, tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam học hỏi & lồng ghép vào trong chiến lược phát triển của mình.
Chính phủ tăng tốc, thúc đẩy hành động
Bên cạnh những sự kiện nổi bật trong cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ cũng đã có những bước tiến nhanh chóng và nổi bật xung quanh lộ trình phát triển bền vững. Cụ thể:
Việt Nam & Liên Hợp Quốc đã ký Văn kiện Khung Chiến lược Hợp tác Phát triển Bền vững (CF) cho giai đoạn 2022-2026 - đây là tài liệu chiến lược chủ chốt hướng dẫn và định hướng sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và LHQ trong việc đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Khung Chiến lược nêu bật cam kết mạnh mẽ chung nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Việt Nam tiếp tục giữ vững cam kết tại COP27 về giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050; tham gia nhiều trao đổi về việc thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam bên cạnh quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, mới đây, chính phủ Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận trị giá 15,5 tỷ USD với các nước G7 và các đối tác quốc tế khác trong khuôn khổ Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Từ đó, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Một năm nổi bật của các hoạt động trồng rừng
Theo nghiên cứu hàng năm của Tổ chức Giám sát Rừng toàn cầu, Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Đại học Maryland (Mỹ), ước tính khoảng 11,1 triệu ha rừng nhiệt đới đã bị phá hủy vào năm 2021, trong đó có 3,75 triệu ha là rừng nguyên sinh. Hiểu đơn giản hơn, cứ mỗi phút trôi qua, thế giới lại mất đi diện tích rừng nhiệt đới bằng 10 sân bóng đá. Tại Việt Nam, năm 2021 chứng kiến một năm thiên tai, bão lũ ở miền Trung, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chưa bao giờ những cánh rừng lại quan trọng đến thế.
Điểm sáng là cũng trong năm nay, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã đẩy mạnh hoạt động trồng và phục hồi rừng nghèo tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên. Trong suốt mùa hè, Trung tâm đã trồng 8.500 cây gỗ bản địa giúp phục hồi 17 ha rừng nghèo tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp gồm: HSBC Việt Nam, Nestlé, Diageo Vietnam, Harbour Energy, British American Tobacco (BAT), Deutsche Bank, Un-Available và KFC với gần 1.700 lãnh đạo, nhân viên tham gia. Hay dự án trồng rừng ngập mặn ở Cà Mau (tháng 8/2022), trồng rừng tại vườn quốc gia Bạch Mã (tháng 12/2022), … là những hành động thực tiễn, đã kêu gọi sự tham gia của đông đảo bạn trẻ, doanh nghiệp.
Hình ảnh: Laodongxahoi.net
Giải Chạy vì cộng đồng Emerald Run do IMP Marketing tổ chức, với sự tài trợ và đồng hành của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam năm 2022 cũng diễn ra với chủ đề “Chạy vì những cánh rừng", cũng là một trong nhiều hoạt động phi lợi nhuận hướng tới việc kêu gọi cộng đồng quan tâm & đóng góp vào các vấn đề môi trường - xã hội.
Xu hướng giới trẻ quan tâm về “tác động xã hội"
Theo quan sát của Dear Our Community, giới trẻ cũng tỏ ra quan tâm nhiều hơn tới khía cạnh này. Cụ thể, khảo sát về mức độ quan tâm các vấn đề xã hội của Cimigo cho thấy 6/10 bạn trẻ mong muốn tạo sự khác biệt thông qua việc giúp đỡ người khác.
Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong năm qua, trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động về lĩnh vực liên quan như: tổ chức cuộc thi tìm hiểu về bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng ESG; chủ động phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các hoạt động liên quan tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR); … nhằm giúp sinh viên tiếp cận nhanh hơn với những chủ đề này.
Một số trường đại học tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh như trường ĐH Kinh tế - Tài chính đẩy mạnh các chương trình Học tập thông qua phục vụ cộng đồng (Service Learning), nhằm lồng ghép các vấn đề xã hội - môi trường vào các hoạt động học tập, để giúp sinh viên nhận diện được nhiều vấn đề đang tồn tại, từ đó khuyến khích đề xuất giải pháp.
Chị Võ Ngọc Tuyền - người sáng lập và Giám đốc điều hành Dear Our Community chia sẻ về nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp tại các doanh nghiệp và tổ chức để đảm nhiệm các công việc liên quan về ESG, phát triển bền vững, CSR, phi lợi nhuận cho thấy những cơ hội dành cho các bạn trẻ quan tâm các công việc tạo tác động xã hội ngày càng tăng trên thị trường lao động. Các bạn trẻ nếu được trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan càng sớm thì càng tăng khả năng tiếp cận được các cô hội công việc hấp dẫn này.
Năm 2023 sắp sang, dù sẽ vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với góc nhìn của Dear Our Community, sẽ là một năm mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ quan tâm về phát triển bền vững và tác động xã hội tại Việt Nam.
Các bạn trẻ, vì thế, cũng rất cần “review" lại năm cũ, cùng lên cho mình bản kế hoạch năm mới với những “checklist” cụ thể những điều cần chuẩn bị, cũng như theo dõi và đăng ký nhận các nội dung về tác động xã hội từ Dear Our Community để giúp bạn đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra.
Chúc bạn năm mới 2023 sẵn sàng dấn thân và chuyển mình, đóng góp tích cực trên hành trình hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.
Comments