Mùa sinh viên ‘di cư’: Ở lại thành phố hay về quê sau khi tốt nghiệp?
Giữa sự hấp dẫn của thành phố hiện đại và trách nhiệm với quê hương, câu hỏi "Ở lại hay đi?" đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng lao động trẻ, đặc biệt trong bối cảnh "chảy máu chất xám" tại các vùng quê.
“Về hay ở?”
Đây luôn là câu hỏi khiến sinh viên năm 3, 4 đau đầu khi đứng trước những ngã rẽ sau tốt nghiệp Đại học, đặc biệt là đối với các du học sinh hay những sinh viên từ tỉnh nhỏ đến các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ… học tập. Quyết định ở lại thành phố với nhiều cơ hội phát triển, hay trở về góp phần xây dựng quê hương ảnh hưởng rất lớn đến tương lai mỗi người. Kim Ngân (du học sinh) cho biết đang tìm kiếm các cơ hội việc làm tại Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học ở Mỹ, dù rất muốn ở lại xứ cờ hoa làm việc.
Không chỉ Ngân, nhiều bạn trẻ cũng phân vân trước lựa chọn lập nghiệp ở những nơi phát triển hơn hay trở về quê. Nhiều người gọi đây là hiện tượng “chảy máu chất xám”. Tuy nhiên, việc ở lại thành phố lớn chưa chắc là tệ, và cũng không hẳn là không thể giúp gì cho quê nhà của họ. Và một trong những lợi ích vô hình của việc quyết tâm bám trụ, gây dựng cơ đồ ở thành phố của người trẻ chính là truyền cảm hứng. Những người thành công trên “đất khách” thường được xem là tấm gương cho lớp trẻ đi sau. Họ là động lực để các bạn trẻ chủ động học hỏi, tìm kiếm cơ hội phát triển hay nhận ra rằng mình không bị giới hạn.
Tình trạng người trẻ “di cư” ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2021, với tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 7% — mức thấp nhất cả nước — ĐBSCL đang đối mặt tình trạng mất mát nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và tri thức bản địa, nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại ĐBSCL lại chọn cách rời quê hương để tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp ở các đô thị lớn. Đây là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của vùng.
Các bạn trẻ đến tham quan trang trại lúa mùa chú Tư Việt
Phương Vy (29 tuổi), một người con của miền Tây, đã quyết định ở lại TP. HCM sau khi tốt nghiệp đại học. Cô chia sẻ rằng TP.HCM mang lại nhiều cơ hội phát triển, từ việc tiếp cận với các cơ sở đào tạo chất lượng, tham gia các hội thảo, hội nghị, đến việc làm việc trong môi trường cạnh tranh cao với nhiều người giỏi. Những điều này giúp cô không ngừng học hỏi và nâng cao năng lực bản thân. Vy cho biết dự định khoảng 10 năm tới vẫn tiếp tục làm việc tại TP. HCM để tích lũy tiền bạc, kinh nghiệm, và mở rộng mạng lưới quan hệ, nhưng cô luôn hướng về quê hương với mong muốn quay trở lại và đóng góp cho sự phát triển của vùng đất nơi mình sinh ra. Cô hy vọng những kinh nghiệm và kỹ năng tích lũy trong thời gian làm việc tại Sài Gòn có thể mang lại những giá trị thiết thực, hỗ trợ quê hương trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Năm cuối Đại học, Đăng Khoa (sinh viên quê Kiên Giang), đang đối mặt với một quyết định khó khăn: về quê hay ở lại Sài Gòn. Anh nhận thức rõ những lợi thế mà thành phố lớn mang lại, nhưng cũng trăn trở về trách nhiệm đối với quê hương. Theo Khoa, quyết định này phụ thuộc vào khả năng tự lực tài chính và mong muốn đóng góp cho quê nhà bằng cách kêu gọi những người giỏi cùng mình trở về phát triển địa phương. Đối với Khoa, việc thiếu nguồn lực chất lượng cao là một thách thức lớn của quê hương, và anh hy vọng mình có thể phần nào giúp giải quyết vấn đề này.
Một số yếu tố ảnh hưởng quyết định của sinh viên
Câu chuyện của Phương Vy và Đăng Khoa không chỉ là trường hợp cá nhân mà còn phản ánh một xu hướng chung của nhiều bạn trẻ xuất thân từ ĐBSCL và các vùng nông thôn khác của Việt Nam. Đây là một vấn đề nan giải đối với các địa phương, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để có thể giữ chân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quyết định ở lại thành phố hay về quê của sinh viên sau khi tốt nghiệp chịu tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp. Trong đó, chính sách là một trong những yếu tố quan trọng. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương có thể là động lực thu hút người trẻ trở về. Tuy nhiên, nếu các chính sách này chưa đủ hấp dẫn hoặc chưa được triển khai hiệu quả, nhiều bạn sẽ vẫn chọn các thành phố lớn.
Cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Một vùng quê với cơ sở hạ tầng hiện đại, tiện nghi sẽ thu hút nhiều người trẻ hơn. Ngược lại, nếu cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chất lượng cuộc sống thấp sẽ khiến nhiều người e ngại.
Song song đó, môi trường làm việc là một trong những yếu tố quyết định. Các doanh nghiệp tại địa phương cần tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, có cơ hội thăng tiến để thu hút nhân tài. Và mức lương cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Nhiều bạn trẻ phân vân “đi hay ở” khi mức lương tại quê hương không cạnh tranh được với các thành phố lớn. Cuối cùng, cộng đồng cũng ảnh hưởng đến quyết định này. Một cộng đồng năng động, có nhiều hoạt động văn hóa, xã hội sẽ thu hút người trẻ hơn.
MapMe - Cầu nối tri thức bản địa và phát triển bền vững
Trước tình hình này, việc kết hợp tri thức bản địa với khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề phát triển bền vững tại địa phương là một giải pháp quan trọng. MapMe, một nền tảng sáng tạo, đang nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác và tinh thần chủ động của người trẻ tại khu vực Mekong và Úc. Nền tảng này tổng hợp và lưu giữ những kiến thức bản địa, đồng thời là công cụ hỗ trợ giới trẻ tạo ra các giải pháp ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Với mục tiêu tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, MapMe đặc biệt tập trung vào các cộng đồng dễ bị tổn thương. Thông qua việc trang bị cho người trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết, nền tảng này giúp họ phát huy tiềm năng của quê hương, từ đó góp phần giữ chân và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.
Trần Công Thành, học viên SIY mùa 2, trong nhóm giải business case MapMe, chia sẻ: “Khi tiếp xúc với các bạn trẻ đến từ ĐBSCL và những người có kinh nghiệm công tác tại khu vực này, mình nhận thấy các bạn có kiến thức sâu rộng về biến đổi khí hậu và sẵn sàng hành động để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, việc lưu trữ tri thức địa phương và kết nối nó với biến đổi khí hậu vẫn còn là một khái niệm xa vời và lạ lẫm đối với nhiều người, thậm chí còn lạ lẫm hơn so với các chính sách về phát thải và chuyển dịch năng lượng. Thời gian tới, nhóm của mình sẽ tiến hành khảo sát và phỏng vấn sâu để tìm hiểu thêm về mối quan tâm của các bạn trẻ đối với vấn đề này.”
Chảy máu chất xám là một bài toán nan giải đối với Việt Nam, nhưng nếu được quản lý và giải quyết hiệu quả, chúng ta có thể biến nó thành cơ hội để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Những sáng kiến đổi mới đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân nhân tài, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững tại địa phương. Khi người trẻ hiểu và tin tưởng vào tiềm năng của quê hương, họ sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự thay đổi tích cực trong cộng đồng, góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển và thịnh vượng.
Ánh Chân