Chiếm dụng văn hóa ở Việt Nam (P1) - Hà Yến Chi
Trong những năm gần đây, chủ đề chiếm dụng văn hóa (nguyên gốc: cultural appropriation) đã thu hút nhiều sự chú ý từ giới sáng tạo và nghiên cứu, cũng như các cộng đồng văn hoá và công chúng nói chung. Tuy việc vay mượn các yếu tố văn hóa của các tộc người thiểu số trong sáng tạo và kinh doanh tại Việt Nam là một hiện tượng không hề mới, nhưng dường như đến vụ việc Biti’s năm 2021 thì cái tên “chiếm dụng văn hóa” mới chính thức được nhắc đến trong hàng loạt các tranh luận trên truyền thông. Đa phần các ý kiến phê bình cho rằng các vay mượn văn hoá không đúng cách có thể tác động xấu đến cộng đồng chủ thể là các tộc người thiểu số vốn đã bị lề hóa trong một xã hội do người Kinh chiếm đa số.
Nguồn gốc khái niệm chiếm dụng văn hóa
Cụm từ “cultural appropriation” được nhắc đến nhiều trên internet từ khoảng những năm đầu 2010s ở các nước phương Tây. Bản thân thuật ngữ này trong học thuật vốn mang nghĩa trung lập, dùng để chỉ chung các hiện tượng vay mượn các thực hành và tri thức văn hóa, sản phẩm trí tuệ, di tích và di sản,… từ một nhóm văn hóa khác văn hoá gốc của mình (Young 2008). Trước đây, từ “appropriation” còn được dùng để chỉ việc một nhóm yếu thế tiếp nhận các thực hành văn hóa từ nhóm ưu thế và biển đổi nó cho phù hợp với hoàn cảnh của mình như một chiến lược để thích nghi và tồn tại trong một xã hội không đảm bảo quyền bình đẳng cho họ.
Khái niệm vay mượn văn hoá với hàm ý tiêu cực như hiện nay xuất phát từ các phân tích hậu thuộc địa (post-colonialism) trong các thập niên 70-80s để phê phán các hành vi thực dân văn hóa, khi nhóm ưu thế lấy đi không chỉ tài nguyên tự nhiên hay vật chất, mà cả tài nguyên văn hoá từ nhóm yếu thế để phục vụ cho mục đích riêng (Coutts‐Smith 1976). Đến những năm 1990s, thuật ngữ “chiếm dụng văn hoá” trở nên phổ biến khi nhắc đến hiện tượng này (Ziff & Rao 1997). Nó chỉ ra các bạo lực ngầm về văn hóa dựa trên sự mất cân bằng quyền lực mang tính hệ thống giữa các tộc người trong lịch sử của chủ nghĩa thực dân. Một số học giả gọi những hành vi vay mượn mang tính tiêu cực này cụ thể hơn là “objectionable cultural appropriation” (Young 2008) (tạm dịch : chiếm dụng văn hóa đáng lên án) hoặc “cultural misappropriation” (Scaffidi 2005) (tạm dịch : sai phạm chiếm dụng văn hóa).
Một số luận điểm chính về chiếm dụng văn hóa
Phân loại thực hành chiếm dụng văn hóa
James O. Young (2008) phân các thực hành tiếp dụng văn hoá thành 3 loại tuỳ theo đối tượng được vay mượn: vật chất, nội dung, và chủ thể (góc nhìn người trong cộng đồng).
Loại thứ nhất liên quan đến các vật thể hữu hình, ví dụ như việc các bảo tàng lớn ở các nước phương Tây vẫn nắm giữ nhiều cổ vật từ các nước thuộc địa cũ.
Loại thứ hai tập trung vào các tài nguyên văn hoá vô hình như các thực hành, nghỉ lễ, nghệ thuật, tri thức,… Đa phần các hành vi chiếm dụng văn hoá được nhắc đến trên mạng xã hội hiện nay rơi vào loại này.
Loại thứ ba xảy ra khi nhóm ưu thế lấy đi tiếng nói của nhóm yếu thế để nói về chính họ, ví dụ như hiện tượng whitewashing (dùng diễn viên da trắng để đóng các nhân vật da màu) ở Hollywood.
Richard A. Rogers (2006) lại phân các hành vi tiếp dụng thành 4 loại dựa theo tương quan quyền lực và chiều hướng vay mượn: trao đổi (khi nhóm vay mượn và nhóm chủ thể ngang nhau về quyền lực), thống trị (khi nhóm yếu thế vay mượn từ nhóm ưu thế), bóc lột (khi nhóm ưu thế vay mượn từ nhóm yếu thế), và xuyên văn hoá (khi thực hành mang tính đa tầng đa chiều và hỗn hợp, thường xảy ra trong quá trình toàn cầu hoá và chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia).
Các luận điểm chính về thực hành chiếm dụng văn hóa
Nhiều nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật đã chỉ ra một số luận điểm để đánh giá một thực hành vay mượn văn hóa có phải là sai phạm chiếm dụng hay không. Những luận điểm này có thể tổng hợp thành 4 loại chính như sau (Young 2008, Siems 2019, Nguyen & Strohl 2019):
tổn hại (bao gồm sai lệch hay xuyên tạc thông tin, tái diễn các hình ảnh rập khuôn, thiệt hại kinh tế)
xúc phạm (bao gồm thiếu tôn trọng, sử dụng sai cách, vi phạm tính thiêng hoặc tính riêng tư, thiếu nhạy cảm về lịch sử văn hoá)
xâm phạm quyền sở hữu (không minh bạch nguồn gốc, không có sự cho phép của cộng đồng)
suy giảm chất lượng (về thẩm mỹ hay tính chân thực (authenticity))
Các lập luận này không nhất thiết tách bạch với nhau, mà có thể cùng tồn tại trong các trường hợp chiếm dụng. Ví dụ, vụ việc Fband sử dụng khăn piêu của người Thái làm khố khi biểu diễn đã xúc phạm đến tính thiêng của chiếc khăn piêu đội đầu với người Thái, đồng thời có thể phát tán thông tin sai lệch về cách dùng và ý nghĩa của nó. Hay như vụ việc tổ chức ăn tiệc tại tháp Po Klong Garai năm 2020 vừa xâm phạm đến quyền sở hữu văn hoá vừa thiếu tôn trọng luật tục tâm linh của cộng đồng Chăm tại Ninh Thuận.
Trong các lập luận này, hai tiêu chí được cho là quan trọng nhất để xem xét tính chiếm dụng của một thực hành vay mượn văn hoá là tương quan quyền lực và ý kiến cộng đồng chủ thể.
Tiêu chí về tương quan quyền lực
Lý thuyết về “tính áp chế” (oppression account) của Erich Matthes (2019) ưu tiên yếu tố thứ nhất, rằng để đánh giá một thực hành vay mượn có phải là chiếm dụng hay không, cần cân nhắc xem nó có tái diễn hoặc làm tăng thêm khoảng cách quyền lực sẵn có giữa nhóm vay mượn và nhóm chủ thể hay không. Lý thuyết này lý giải tại sao chiếm dụng văn hóa thường xảy ra khi nhóm đa số hoặc chiếm ưu thế vay mượn từ nhóm thiểu số hay yếu thế, mà không phải ngược lại. Nó cũng cho rằng một hành vi có thể bị coi là chiếm dụng mà không cần nhóm chủ thể phải trực tiếp lên tiếng. Do đó, nó đặc biệt hữu dụng trong những trường hợp mà cộng đồng yếu thế ít cơ hội phản biện trực tiếp, hoặc khi tiếng nói của họ ngay cả khi cất lên cũng khó đến được với công chúng. (Lý thuyết gia hậu thuộc địa nổi tiếng Gayatri Chakravorty Spivak đã phân tích hiện tượng “mất tiếng” này trong bài luận Can the subaltern speak?). Lý thuyết của Matthes cũng xét đến tính giao thoa của tương quan quyền lực, bao gồm không chỉ văn hoá tộc người mà cả địa vị kinh tế xã hội, trình độ học vấn, địa lý, v.v… Theo đó, chênh lệch quyền lực giữa cộng đồng bản địa với một tập đoàn lớn hay thương hiệu quốc tế và với một thương lái địa phương hay thương hiệu thủ công quy mô nhỏ sẽ rất khác nhau.
Tuy nhiên, lý thuyết này ít cân nhắc đến rủi ro chiếm dụng văn hóa giữa các nhóm thiểu số với nhau. Nhà thiết kế Sa Bình (người Mông quê gốc ở Điện Biên, hiện đang làm việc tại Sài Gòn) cho biết cũng có một số thương buôn người Mông kinh doanh thổ cẩm dân tộc Thái nhưng nói là vải người Mông, gây ra ý kiến phản đối trong cả cộng đồng người Mông và người Thái. Ngoài ra, tương quan quyền lực giữa các tộc người không phải lúc nào cũng rõ ràng mà có thể thay đổi tuỳ theo phạm vi quan sát. Một nhóm có thể là yếu thế trong xã hội quốc gia, nhưng lại chiếm ưu thế ở địa phương.
Ví dụ, nghiên cứu của Sarah Turner (2007) chỉ ra rằng trong chuỗi cung ứng thương mại thổ cẩm ở Sapa, ngoài người Kinh, người Tày cũng thường chiếm ưu thế và nắm giữ những vị trí có lợi nhuận cao hơn nhiều so với người Mông và người Dao – những người trực tiếp chế tác nhưng có xu hướng kinh doanh nhỏ theo cá nhân hoặc hộ gia đình.
Tiêu chí về ý kiến của cộng đồng chủ thể
Lý thuyết về “tính thân mật” (intimacy account) của Thi C. Nguyen và Matthew Strohl (2019) lại tập trung vào tiêu chí thứ hai – sự đồng thuận của chủ thể văn hóa. Nó cho rằng có những thực hành văn hóa mang tính “thân mật,” tức là có vai trò gắn kết những người cùng cộng đồng trong một căn tính tập thể, và việc người ngoài xâm phạm đến các thực hành này dễ trở thành chiếm dụng. Theo lý thuyết này, cộng đồng chủ thế nắm quyền quyết định cao nhất để đánh giá một thực hành có phải là chiếm dụng hay không, bất kể bản chất của nó là như thế nào.
Tuy nhiên, ý kiến cộng đồng chủ thể không phải lúc nào cũng hiển lộ và thống nhất. Tính chiếm dụng càng cao thì cộng đồng càng dễ có tiếng nói chung. Do đó, các trường hợp xúc phạm văn hóa hay xâm phạm tính thiêng thường thu hút phản ứng rõ ràng hơn từ phía cộng đồng. Thế nhưng, đối với các thực hành tiếp dụng văn hóa nằm ở vùng xám, ngay cả cộng đồng chủ thể cũng khó đưa ra phán quyết rõ ràng, chưa kể ngay trong cùng một cộng đồng cũng có các luồng ý kiến khác nhau. Do vậy, một thực hành có thể nhận được cả sự đón nhận và phản đối từ cộng đồng chủ thể.
Ví dụ, qua trao đổi với Mùa Mua và Tuam Khaab, 2 cựu thành viên của AHD (Action for Hmong Development) và hiện đang điều hành dự án Ná Nả, bộ phim “Lặng yên dưới vực sâu” về người Mông ở Hà Giang nhận được khá nhiều sự ủng hộ từ khán giả trẻ người Mông, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là chiếm dụng chủ thể văn hoá, vì đoàn làm phim và diễn viên người Kinh khó có thể khắc họa chính xác về cuộc sống và góc nhìn của người Mông.
(Còn tiếp)
Comentarios