top of page
Ảnh của tác giảDear Our Community

Mô hình ‘chăm sóc toàn diện’ góp phần tạo sự bền vững trong y tế

Dear Our Community (DOC) là đối tác truyền thông chiến lược và gây quỹ cho dự án mang tên “Đồng hành cùng nỗi lo chạy thận - Mô hình chăm sóc toàn diện” được triển khai tại bệnh viện Lê Văn Thịnh và đơn vị Thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, TP. HCM.


Người ta thường nói “mỗi người một số phận”. Nhưng với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, dường như số phận đã an bài cho họ một cuộc “trường chinh” cả đời với chiếc máy lọc máu. Mỗi tuần, họ đều đặn đến bệnh viện, ít nhất ba lần, mỗi lần hơn ba tiếng đồng hồ, lặng lẽ nằm cạnh chiếc máy lọc máu. Đôi lúc, các điều dưỡng mở một bản nhạc nhẹ cho không khí thoải mái hơn. Thời gian nằm trên giường bệnh, để đỡ chán hay bớt sự chú ý vào chiếc máy lọc máu cứ xoay tròn bên cạnh, họ mang theo điện thoại, sách… giải trí. Thỉnh thoảng trò chuyện với nhau và những con người cùng chung cảnh ngộ dần trở nên thân thiết. “Lâu dần, không đi lọc máu là tôi cảm thấy thiếu thiếu gì đó”, Cô P, một bệnh nhân hơn 50 tuổi, lạc quan như thể chiếc máy lọc máu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.

Mô hình ‘chăm sóc toàn diện’

Bệnh nhân chờ vào lọc máu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Dear Our Community


Cô kể trước khi được lọc máu, cơ thể rất mệt mỏi và thường xuyên phải cấp cứu. “Hồi đó tôi sợ nên không nghe lời bác sĩ đi lọc máu sớm. Cho đến khi chịu không nổi nữa, tôi mới bắt đầu lọc máu và cuộc đời tôi như sang trang. Dù không còn được đi du lịch dài ngày do phải lọc máu định kỳ, nhưng ăn uống ngủ nghỉ được như người bình thường là mừng rồi”, cô nói thêm.


Chạy thận là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng máy, được chỉ định điều trị người bệnh suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp (thường do ngộ độc) diễn tiến nhanh hoặc toan máu, tăng kali máu, dư nước nhưng không đáp ứng với thuốc điều trị. Phương pháp này giúp cơ thể kiểm soát huyết áp và duy trì sự cân bằng chất lỏng và khoáng chất khác nhau như natri, kali trong cơ thể. Quá trình chạy thận bắt đầu tốt nhất là trước khi thận ngừng hoạt động và gây ra biến chứng đe dọa tính mạng.


Ở khoa thận tại bệnh viện Lê Văn Thịnh, những trường hợp mắc bệnh thận mạn tính không phải hiếm. “Từ ngày chạy thận, tôi gần như mất tất cả…” - là lời tâm sự nghẹn ngào của anh N, sinh năm 1987, người đã kiên cường bước trên con đường lọc máu định kỳ suốt 12 năm. Cứ mỗi tuần ba lần, khoa Thận của bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. HCM lại đón anh như một người thân quen. Và chỉ một buổi sáng ở đây, hàng chục người ra vào. Họ đều mang những căn bệnh nặng nhưng tâm trạng rất bình thản chỉ vì đã quá quen với khung cảnh này. Họ đứng xếp hàng phía trước, khoác chiếc áo bệnh nhân rồi nằm lên một chiếc giường được chỉ định, cánh tay chi chít những vết kim, nối với chiếc máy chạy thận. 

Mô hình ‘chăm sóc toàn diện’

Phòng lọc máu tại khoa Thận, bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Dear Our Community.


Theo Hội Thận học thế giới ước tính, khoảng 850 triệu người mắc bệnh mạn tính ở thận, khoảng 3 triệu người bệnh đang phải duy trì sự sống nhờ lọc máu. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính khoảng 5 triệu người bệnh suy thận, hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Vì thế, việc cung cấp đủ máy lọc máu tại các bệnh viện sẽ giúp cuộc sống của các bệnh nhận thuận tiện hơn rất nhiều. Do vậy, mô hình chăm sóc toàn diện do bệnh viện Lê Văn Thịnh và ASIF Foundation (Quỹ thiện nguyện Quốc tế của người Việt) kết hợp triển khai nhằm giải quyết tất cả khó khăn mà bệnh nhân chạy thận đang “sống chung” mỗi ngày. Đây có thể được xem là bước tiến quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Bên cạnh đó, Dear Our Community (DOC) chính là đối tác truyền thông chiến lược và gây quỹ cho dự án mang tên “Đồng hành cùng nỗi lo chạy thận - Mô hình chăm sóc toàn diện”. 

Mô hình ‘chăm sóc toàn diện’

Team Dear Our Community tại một buổi quay hình cho series Mở Đường Dẫn Lối mùa 2


Với vai trò là cầu nối, DOC kết nối cộng đồng, các nhà hảo tâm và các doanh nghiệp với những bệnh nhân đang gặp khó khăn. Bằng những hoạt động truyền thông sáng tạo và hiệu quả, DOC lan tỏa thông điệp về dự án, kêu gọi sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng.


Hiện, “Đồng hành cùng nỗi lo chạy thận - Mô hình chăm sóc toàn diện” được tiến hành tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh và đơn vị Thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (TP. HCM). Trong giai đoạn khởi động, bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ phối hợp cùng bộ môn Y Đức - Xã hội học - Chăm sóc giảm nhẹ, Đại học Y Dược TP. HCM tổ chức khóa đào tạo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết dành cho nhân viên y tế trong quá trình thực hiện các hoạt động chăm sóc liên ngành. Khóa học được đào tạo trực tiếp và trực tuyến từ ngày 23/7 đến ngày 31/8. Hiện đây là khóa học đầu tiên và duy nhất về vấn đề chăm sóc liên ngành trong bệnh mạn tính tại TP. HCM. 


Bà Tuyền nhận xét dự án không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân, mà còn thể hiện tính bền vững, lâu dài qua những đóng góp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam. 


Nếu doanh nghiệp bạn quan tâm tìm hiểu thêm về dự án, vui lòng liên hệ với chúng tôi tại địa chỉ email hello@dearourcommunity.com 

Dear Our Community:


Ra mắt công chúng vào năm 2020, Dear Our Community chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông sáng tạo và trải nghiệm học tập về phát triển bền vững cho các công ty, tổ chức và giới trẻ tại Việt Nam. Với chuyên môn về truyền thông sáng tạo, mạng lưới đối tác sâu rộng, hiểu biết đa ngành, kinh nghiệm xây dựng cộng đồng và nâng cao năng lực, Dear Our Community giúp các doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia truyền thông hiệu quả và đầu tư vào thế hệ trẻ quan tâm về phát triển bền vững. 


Bệnh viện Lê Văn Thịnh:


Bệnh viện Lê Văn Thịnh (trước đây là Bệnh viện Quận 2) là một bệnh viện đa khoa hạng 3, được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 02 năm 2007 với quy mô ban đâu chỉ 60 giường bệnh, thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn TP. HCM và các vùng lân cận. 


Sau 15 năm hoạt động và phát triển, bệnh viện đã có sự "lột xác" nhanh chóng, phát triển toàn diện về quy mô, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều kỹ thuật y khoa phức tạp đã được thực hiện ngay tại bệnh viện giúp người dân tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh và giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bệnh viện Lê Văn Thịnh được UBND TP. HCM xếp hạng là một Bệnh viện đa khoa hạng 1 vào năm 2020.


Australasia Social Impact Foundation (ASIF Foundation): 


Là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào ngày 14/12/2018 tại Australia, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2020. Với vai trò là “Quỹ thiện nguyện quốc tế của người Việt”, thông qua những chương trình phát triển cộng đồng và dự án xã hội, ASIF Foundation kết nối hiệu quả các nguồn lực với mong muốn thúc đẩy những cải tiến, góp phần vào tiến trình phát triển bền vững trong các lĩnh vực: y tế và chăm sóc sức khỏe; giáo dục; nước sạch và vệ sinh nhằm cải thiện  chất lượng cuộc sống của cộng đồng yếu thế. 


Trong hành trình 5 năm hoạt động (2018-2023), ASIF Foundation đã thực hiện 32 dự án với hơn 503.000 người thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp. Một số dự án nổi bật tại Việt Nam như (1) “Giếng Sạch trao buôn” và “Gùi nước về làng” trao tặng 319 giếng khoan cộng đồng và 32.144 Gùi nước cho bà con tại 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; (2) Trao tặng máy X-quang kỹ thuật số thế hệ mới tích hợp phần mềm chẩn đoán AI cho Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM và Phòng Khám Kinh 7 tỉnh Kiên Giang; (3) Hỗ trợ nâng cao năng lực cho 05 cơ sở bảo trợ xã hội và tổ chức phi lợi nhuận trong các lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, giáo dục hướng đến các cộng đồng người cao tuổi, trẻ em và người có hoàn cảnh khó khăn.


ASIF Foundation hướng đến một xã hội phát triển bền vững, nơi những cộng đồng yếu thế được thụ hưởng một cuộc sống tốt đẹp, được trao những cơ hội công bằng để phát triển thông qua việc các nguồn lực xã hội được vận hành và hợp tác một cách hiệu quả.



0 bình luận

Kommentarer

Gitt 0 av 5 stjerner.
Ingen vurderinger ennå

Legg til en vurdering
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page