top of page
Ảnh của tác giảDear Our Community

Mật hoa dừa Trà Vinh: ‘nông nghiệp hạnh phúc’ khởi đầu từ hạn, mặn

Sau trận hạn hán, xâm nhập mặn lớn nhất lịch sử ở Đồng bằng Sông Cửu Long, một nông trại sản xuất mật hoa dừa ra đời, lấy “hạnh phúc” làm kim chỉ nam và từ đó tạo ra kế sinh nhai cho bà con trong vùng.


Tỉnh Trà Vinh là địa phương trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Bến Tre. Theo thống kê mới nhất, gần 21.000 ha đất trồng dừa đang cho trái, năng suất bình quân 15,2 tấn/ha, sản lượng 307.000 tấn/năm (tương đương 257 triệu quả). Đây vừa là thuận lợi, vừa là điểm cạnh tranh của các cơ sở trồng và sản xuất sản phẩm từ dừa tại Trà Vinh, trong đó có Sokfarm - doanh nghiệp tiên phong, mở ra hướng đi mới cho ngành thu mật hoa dừa Việt Nam.

nông dân

Chị Thạch Thị Chal Thi và anh Phạm Đình Ngãi - hai nhà sáng lập của Sokfarm.


Khởi đầu từ thách thức biến đổi khí hậu

Chị Thạch Thị Chal Thi, nhà sáng lập Sokfarm, nhớ lại thời điểm năm 2019, khi đợt hạn hán, xâm nhập mặn lớn nhất lịch sử xảy ra tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Canh tác lúa khó khăn khiến người dân chuyển sang trồng dừa để xoay sở kinh tế. Trong đó có gia đình chị Thi. Sau một thời gian, cung vượt quá cầu làm dư thừa dừa. Hàng đống dừa già, mọc mầm sau vườn mà không có người mua lại tiếp tục trở thành bài toán nan giải đối với các nông hộ.


Ban đầu chị Thi chỉ muốn tìm cách giúp gia đình vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu, chị phát hiện rằng để nâng cao giá trị kinh tế cho cây dừa thì thay vì chỉ bán trái dừa, còn có thể thu mật hoa dừa - một sản phẩm quý từng tồn tại trong văn hóa người Khmer, nhưng dần bị mai một theo thời gian.

Mật hoa dừa Trà Vinh

Nông dân lấy mật hoa dừa.


Nhìn thấy tiềm năng phát triển sản phẩm của quê hương, chị Thi, vốn là kỹ sư công nghệ thực phẩm, đã quyết định rời Sài Gòn về Trà Vinh để khôi phục và phát triển ngành mật hoa dừa, thành lập Sokfarm. Sok trong tiếng Khmer có nghĩa là “hạnh phúc” và Sokfarm có nghĩa là “nông nghiệp hạnh phúc”, đánh dấu một cột mốc mới cho ngành mật hoa dừa Trà Vinh.


Mật hoa dừa Trà Vinh: giá trị kinh tế và xu hướng sức khỏe thế giới

Lúc mới nghiên cứu thị trường, chị Thi nhận thấy mật hoa dừa rất được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, loại thực phẩm này không hề phổ biến. Thậm chí, tại Trà Vinh, chỉ người lớn tuổi mới biết tới loại mật này. 

Mật hoa dừa Trà Vinh

Mật hoa dừa cô đặc


Mật hoa dừa hữu cơ được yêu thích nhờ vị thanh ngọt tự nhiên, chỉ số đường huyết thấp thích hợp xu hướng tiêu dùng lành mạnh toàn cầu. Nó được sử dụng tương tự mật ong nhưng vị ngọt thanh hơn. Ngoài ra, mật hoa dừa bổ sung khoáng chất có sẵn trong hoa dừa. Nắm rõ điểm cốt lõi, Sokfarm tập trung sản xuất và phát triển hơn 30 sản phẩm từ mật hoa dừa, trong đó có 6 sản phẩm chủ lực gồm: thức uống, mật hoa dừa lên men, giấm, nước tương, đường hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc.


Sau 5 năm kiên trì, chị không chỉ thành công giúp đỡ gia đình, mà còn cải thiện sinh tế cho bà con địa phương, đặc biệt là những hộ nghèo, khó khăn do biến đổi khí hậu, mất mùa lúa. Từ đó tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ. Hiện, mật hoa dừa Sokfarm có mặt khắp cả nước, đồng thời xuất khẩu chính ngạch đi nhiều quốc gia, bao gồm: Mỹ, Úc, Đức, Hà Lan, Nhật Bản và Canada.

Mật hoa dừa Trà Vinh

Sokfarm trong Top 10 Doanh nghiệp xuất sắc nhất sáng kiến ESG thuộc bộ tiêu chí phát triển bền vững của Việt Nam, năm 2023.


Kiến thức bản địa kết hợp công nghệ hiện đại

Như nhiều công ty start-up khác, Sokfarm gặp không ít trở ngại thời gian đầu, khó nhất là công đoạn thu mật từ hoa dừa. Theo chị Thi, muốn thu mật hoa dừa, các nông dân phải xoa, gõ nhẹ lên hoa. Nghe thì có vẻ dễ, nhưng thật ra cần khá nhiều kỹ năng lẫn sự khéo tay. “Sáu tháng đầu, chúng tôi không thu được giọt mật nào từ vườn dừa”, chị kể với Dear Our Community (DOC).


Thế là, vợ chồng chị tìm hiểu về kỹ thuật massage thu mật hoa dừa của người Khmer bản địa. Học hỏi những kiến thức của họ, sau đó kết hợp thêm từ những video thu mật hoa dừa của người Thái Lan, Indonesia… Đến khi thu được thành quả đầu tiên, chị lại tiếp tục đối mặt với một thách thức khá “khoai” khác là các hoạt chất dinh dưỡng trong mật hoa dừa khiến nó rất dễ lên men, rất khó bảo quản. 

Mật hoa dừa Trà Vinh

Nông dân massage hoa dừa để tạo mật.


Lúc này, chị liên tưởng đến mật thốt nốt - đặc sản An Giang. Tương tự mật hoa dừa, mật thốt nốt cũng lên men khá nhanh, và người An Giang đã dùng gỗ cây sến cho vào mật thốt nốt để ức chế quá trình lên men mà không cần dùng hoá chất. Từ kiến thức bản địa, chị Thi tìm đến những người Khmer lớn tuổi, và được họ “truyền nghề”. 


Xưa nay, người Khmer Trà Vinh sử dụng cây cà khi, xắt lát nhỏ, sấy rồi cho vào mật hoa dừa vừa thu được. Cách này giúp hạn chế quá trình lên men thêm 4-8 tiếng đồng hồ - thời gian lý tưởng để mang mật từ vườn dừa vào xưởng chế biến mà mật vẫn tươi. Toàn bộ quy trình thu mật đều thực hiện thủ công nhằm đảm đảm chất lượng, hương vị tốt nhất có thể. 

Mật hoa dừa Trà Vinh

Nông dân đi thu mật hoa dừa.


Bên cạnh đó, muốn trồng dừa hữu cơ để thu mật mà không dùng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào, chị Thi áp dụng tất cả những kinh nghiệm dân gian vào canh tác. Chị sử dụng “thiên địch” là bọ đuôi kìm ăn trứng con đuông dừa, tránh cây bị thối mục. Mỗi ngày, nông dân đều đặn massage hoa dừa thu mật. Cỏ cao thì họ cắt bớt chứ không dùng thuốc và sử dụng phân bón hữu cơ. Nhờ vậy, cây dừa canh tác hữu cơ nhưng sản lượng không giảm, giá thành không cao.


Một trong những điểm đặc biệt của Sokfarm là kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Trong khi quá trình thu mật hoàn toàn thủ công, thì công đoạn chế biến lại sử dụng công nghệ tiên tiến để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Mật sau khi thu về sẽ bắt đầu cô đặc chế biến thành phẩm. Ở giai đoạn này, chị Thi áp dụng những hiểu biết về công nghệ thực phẩm như: trong mật có chất gì, từ đó đưa ra thời điểm thu mật thích ứng với quá trình sản xuất. Sokfarm mất khoảng 1 năm 9 tháng để hoàn thiện quy trình này.

Mật hoa dừa Trà Vinh

Nhà máy chế biến của Sokfarm


“Nông nghiệp hạnh phúc”

“Muốn doanh nghiệp bền vững, thì không chỉ khách hàng mà cả những nhân viên trong công ty phải hạnh phúc”, chị Thi chia sẻ với DOC khi nói về định hướng xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo cân bằng giữa 3 yếu tố: Môi trường - Xã hội – Quản trị.


Năm 2024, Sokfarm có khoảng 50 công nhân viên và 35 nông hộ liên kết. Trong đó, 75-80% là nữ, 70% là dân tộc Khmer và số lượng nữ chiếm 70-80% trong dàn lãnh đạo công ty. 

Mật hoa dừa Trà Vinh

Nhân viên Sokfarm vui lễ 20/10 năm 2024


Theo chị Thi, Sokfarm lựa chọn theo đuổi mô hình kinh doanh tạo ra tác động xã hội, mang lại sinh kế bền vững cho người nông dân, bảo vệ môi trường, và chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng tinh hoa mật hoa dừa Trà Vinh. Bên cạnh cam kết phát triển theo chuẩn canh tác hữu cơ quốc tế, nhằm bảo vệ môi trường đất, nước và không khí, đảm bảo rằng các thế hệ tương lai vẫn có môi trường sống xanh và sạch, song song đó, Sokfarm mở lớp học tiếng Anh miễn phí cho bà con. “Chỉ khi thực sự hiểu và quan tâm đến người nông dân, họ mới có thể gắn bó và hợp tác lâu dài”, chị nói.

Mật hoa dừa Trà Vinh

Du khách tham quan, tìm hiểu mô hình của Sokfarm.


Câu chuyện của Sokfarm là một minh chứng cho thấy nông nghiệp bền vững có thể vừa mang lại lợi nhuận kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cộng đồng. Với những sản phẩm chất lượng và những hoạt động vì cộng đồng, Sokfarm đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững.


Yanie Ha (Ảnh: Sokfarm)


0 bình luận

留言

評等為 0(最高為 5 顆星)。
暫無評等

新增評等
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page