top of page
Ảnh của tác giảDear Our Community

Khi hạnh phúc song hành cùng phát triển bền vững

Phát triển bền vững nảy mầm từ những hạt giống bình an, hạnh phúc trong từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.


Tôi đã từng tự hỏi, điều gì khiến chị Trần Minh Hường lại có thể gắn bó với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam trong suốt gần 30 năm? Bởi, cá nhân tôi cho rằng, gắn bó với một tổ chức lâu đến như vậy là điều rất khó, khi bạn sẽ chứng kiến mọi giai đoạn thăng, trầm, biết sâu, hiểu rõ những mặt tốt và cả những góc khuất của tổ chức.


Tiếp cận Standard Chartered Việt Nam để đề xuất hợp tác trong một số chương trình về truyền thông tạo tác động xã hội và đầu tư cho người trẻ trong lĩnh vực phát triển bền vững, tôi có dịp tìm hiểu văn hóa của doanh nghiệp này, không chỉ qua đội ngũ lãnh đạo mà còn cả những nhân sự đang làm việc tại đó.


Sự tiếp xúc ấy giúp tôi phần nào hiểu được lý do tại sao có những nhân sự, như chị Hường, quyết tâm gắn cả sự nghiệp của mình với nơi làm việc này. Họ rất dễ thương, hòa nhã và đặc biệt là có sự tin tưởng cao vào những gì ngân hàng đang nỗ lực thực hiện, tin vào mục tiêu đem đến cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng và xã hội.


Hạnh phúc gieo mầm bền vững 

Tôi sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, thành phố của nhịp sống nhộn nhịp và hối hả. Bản thân từng bị áp lực và chứng kiến nhiều người đi trước, cũng như bạn bè xung quanh lớn lên với niềm tin rằng “đi làm là để kiếm tiền”. Nhiều người luôn ưu tiên tìm kiếm một công việc có thu nhập cao, còn những giá trị về tinh thần và hạnh phúc trong công việc được xem là thứ yếu, một điểm cộng có thì tốt, không có cũng chẳng sao.


ba người phụ nữ đang chụp hình

Bà Võ Ngọc Tuyền cùng CEO Standard Chartered Việt Nam Michele Wee và Tổng lãnh sự quán Vương quốc Anh tại Việt Nam Emily Hamblin.


Niềm tin đó không khó hiểu. Bước ra từ cuộc chiến thảm khốc, đất nước phải bắt tay vào xây dựng lại từ sự đổ vỡ, gián đoạn của chiến tranh. Khởi điểm đó, hầu như gia đình nào cũng khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, nên ưu tiên cao nhất của việc đi làm là kiếm tiền lo cho bản thân và gia đình.


Khi đất nước ngày càng phát triển, kéo theo đó là nhu cầu về giá trị tinh thần ngày càng được đề cao. Ngày nay, người lao động ngày càng có xu hướng tìm kiếm những công việc không chỉ lương thưởng, phúc lợi tương xứng mà còn phải tạo được sự thoải mái, có cơ hội nêu ý kiến, được đóng góp, cơ hội phát triển bản thân và đặc biệt là cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa.


Về phía doanh nghiệp cũng ngày càng quan tâm hơn đến chính sách nhân sự, làm sao đảm bảo công bằng, bình đẳng, khơi gợi không gian sáng tạo và chăm lo sức khỏe tinh thần cho đội ngũ nhân viên.


Đây là một dấu hiệu tốt. Bởi nhiều người thường nhìn các công ty như cỗ máy vô hồn. Nhưng đằng sau những cỗ máy đó, hệ thống đó đều là con người, cùng làm việc với nhau, cùng tạo ra các cộng đồng có sự gắn kết cụ thể.


Do đó, khi từng nhân sự hạnh phúc sẽ tạo ra một cộng đồng nhỏ hạnh phúc. Cộng đồng nhỏ hạnh phúc là nền tảng lan tỏa những giá trị tích cực tới những cộng đồng lớn bên ngoài khác. Theo tôi, đó là nền tảng của phát triển bền vững.


“Giải pháp phát triển bền vững không nhất thiết phải xuất phát từ một bộ phận chuyên môn mà có thể đến từ bất cứ phòng, ban nào trong doanh nghiệp.” - Bà Võ Ngọc Tuyền, CEO Dear Our Community

Theo dõi các chương trình của Dear Our Community, đặc biệt là các chương trình chia sẻ về “nghề” phát triển bền vững, các bạn sẽ nhận thấy nhân vật khách mời của chúng tôi không chỉ là những giám đốc phát triển bền vững hay nhân sự ở phòng ban trách nhiệm xã hội. Thay vào đó, chúng tôi tìm kiếm nhân vật đa dạng đến từ các vị trí khác nhau trong doanh nghiệp, chẳng hạn như trưởng phòng kinh doanh, cán bộ truyền thông hay giám đốc nhân sự.


Bởi, giải pháp phát triển bền vững không nên chỉ xuất phát từ một bộ phận chuyên môn mà có thể đến từ bất cứ phòng, ban nào trong doanh nghiệp.


Chẳng hạn như chiến dịch thu hồi vỏ bút insulin đã qua sử dụng của Sanofi Việt Nam là sáng kiến của bộ phận kinh doanh, hay nhân sự truyền thông đứng đằng sau các chiến dịch giúp thay đổi nhận thức cộng đồng để gia tăng khả năng hòa nhập cho người khuyết tật tại tổ chức DRD Việt Nam.


Có một điểm chung là khi hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, tương tự như với Standard Chartered Việt Nam, tôi luôn dành thời gian tiếp xúc với những nhân sự đang làm việc tại đó, bởi vì phát triển bền vững phải là DNA của doanh nghiệp. DNA đó không phải chỉ thấy được qua mỗi nhà lãnh đạo, quản trị mà còn cần cảm nhận một cách sâu sắc từ đội ngũ nhân viên.


Khi nhân viên cảm thấy vui vẻ, bình an, nhìn thấy và được tham gia trực tiếp vào những sáng kiến bền vững, họ sẽ càng tin vào những giá trị tốt đẹp công ty đang muốn truyền tải, những mục tiêu cao cả công ty đang nỗ lực thực hiện.


Hạnh phúc cũng cần bền vững

“Chị có đang cảm thấy hạnh phúc không”, một câu hỏi tôi nhận được mới đây. “Có, chị đang thấy rất hạnh phúc”, tôi đáp. Hạnh phúc với tôi, tại thời điểm hiện tại là biết mình mong muốn điều gì, muốn đóng góp thế nào, muốn trao đi giá trị gì cho những người xung quanh.


người phụ nữ hạnh phúc bền vững

Bà Võ Ngọc Tuyền, CEO Dear Our Community


Nhưng, niềm hạnh phúc đó cũng cần phải bền vững. Tâm lý con người rất nhạy cảm và hoàn toàn có thể chuyển đổi trạng thái nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ nó.


Thực ra, tôi tâm niệm, làm về phát triển bền vững mà không cảm thấy hạnh phúc sẽ rất nguy hiểm. Khi chúng ta cảm thấy lo lắng, bất an, buồn tủi hay giận dữ, chúng ta đang mang một trường năng lượng tiêu cực. Trường năng lượng đó tác động tới tất cả những việc chúng ta làm, những giá trị chúng ta lan tỏa.


Vậy, điều gì khiến một người làm về phát triển bền vững đánh mất đi hạnh phúc?


Tôi cho rằng đó là khi cảm xúc đồng cảm không được quản lý tốt. Đồng cảm là một cảm xúc đẹp, hướng con người ta nghĩ về những người xung quanh và làm những điều tốt. Tuy nhiên, đồng cảm quá mức và không thoát ra được sẽ dễ bị “ngợp”, bị rút cạn năng lượng và cảm xúc.


Thực ra, điều này rất dễ xảy ra đối với những người theo đuổi phát triển bền vững. Làm việc mình thích, lại có ý nghĩa, nhiều người cứ làm mãi mà chẳng thấy hết việc và không biết cách nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, nhìn thấy những vấn đề môi trường, cộng đồng ngày càng nhiều và lớn, chúng ta dễ bị ám ảnh bởi thông tin tiêu cực và có cảm giác bất lực.


Tôi cho rằng, khỏe mạnh về tâm lý, biết cân bằng và nuôi dưỡng hạnh phúc bền vững, chúng ta mới có khả năng giúp đỡ những người xung quanh.


“Làm về phát triển bền vững mà không cảm thấy hạnh phúc sẽ rất nguy hiểm.”_ Bà Võ Ngọc Tuyền, CEO Dear Our Community

Ngoài ra, niềm vui của tôi, cũng như của nhiều người làm về phát triển bền vững là được hòa mình vào một cộng đồng, một hệ sinh thái với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, doanh nhân, cùng hành động vì những mục tiêu chung, chia sẻ giá trị.


Những vấn đề vượt quá năng lực của một người thì sẽ có nhiều người khác đảm nhiệm. Những khúc mắc làm khó một tổ chức thì sẽ có nhiều tổ chức chung tay giải quyết. Vì vậy, cần biết lượng sức mình, bảo vệ năng lượng tích cực bên trong và cộng hưởng năng lượng ấy với cộng đồng phát triển bền vững xung quanh mình.


Về phía Dear Our Community, triết lý của chúng tôi là xây dựng và nuôi dưỡng năng lượng tích cực trong cộng đồng phát triển bền vững. Vì vậy, chúng tôi hiếm khi nào đăng tải các sản phẩm nội dung chỉ đưa ra vấn đề, nhấn mạnh vào thực trạng mà không đưa ra các đề xuất giải pháp.


Dear Our Community không muốn đưa độc giả, khán giả vào một trạng thái tâm lý có phần hơi tuyệt vọng khi nghĩ tới những vấn đề khó. Hơn hết, cá nhân tôi và tập thể Dear Our Community tin rằng, mọi vấn đề đều có giải pháp, miễn là chúng ta duy trì niềm tin, nỗ lực tạo ra giải pháp, nuôi dưỡng hạt giống bình an, hạnh phúc trong mỗi con người, mỗi tổ chức và trong từng cộng đồng.


(Theo TheLEADER)


0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page