top of page

Du lịch bền vững: Xu hướng hay trách nhiệm?

Ảnh của tác giả: Dear Our CommunityDear Our Community

Trong những năm gần đây, thuật ngữ "du lịch bền vững" xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn du lịch và truyền thông. Nhưng liệu đây chỉ là một xu hướng hay thực sự là trách nhiệm của từng cá nhân và doanh nghiệp? Để hiểu rõ hơn về chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Soline Lê, Phó khoa tại Keiser University Vietnam, nhà nghiên cứu về phát triển bền vững và bao trùm, người có nhiều kinh nghiệm về quản trị du lịch sinh thái và điểm đến.

du lịch bền vững

Bản chất của du lịch bền vững

Theo chị Soline, thuật ngữ "du lịch bền vững" dễ khiến nhiều người chỉ nghĩ đến yếu tố môi trường. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, từ "environment" không chỉ bao gồm thiên nhiên mà còn đề cập đến văn hóa và con người địa phương. Vì vậy, du lịch bền vững không đơn thuần là bảo vệ tài nguyên tự nhiên mà còn phải đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng. Đây chính là sự phát triển từ "du lịch có trách nhiệm" (Responsible Tourism), với hai trụ cột chính là bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho người dân.


Chị cũng nhấn mạnh rằng du lịch bền vững không có nghĩa là không gây tác động nào đến môi trường. Con người luôn để lại tác động lên môi trường ở bất kỳ nơi đâu họ đặt chân đến. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để giảm thiểu tác động tiêu cực và cân bằng giữa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, hay còn được gọi là mô hình "Triple Bottom Line".


Những thách thức trong phát triển du lịch bền vững

Dù có nhiều lợi ích, du lịch bền vững vẫn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là nhận thức chưa đầy đủ. Theo chị Soline, tại Việt Nam, nhiều người vẫn hiểu sai về khái niệm này, chỉ tập trung vào khía cạnh môi trường mà bỏ qua yếu tố kinh tế và xã hội. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng trong chiến lược phát triển.


Bên cạnh đó, lợi nhuận ngắn hạn vẫn là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp. Các chủ đầu tư thường đặt câu hỏi: "Nếu tôi đầu tư vào bền vững, tôi sẽ thu được gì?". Để giải quyết vấn đề này, cần có những chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích dài hạn của việc phát triển bền vững, chẳng hạn như tăng lòng tin của khách hàng, từ đó tạo nguồn thu bền vững và tăng giá trị thương hiệu hay tối ưu hoá chi phí thông qua sử dụng nguồn tài nguyên kết hợp công nghệ hợp lý. Ví dụ: nguyên vật liệu và cấu trúc xây dựng thân thiện với môi trường giúp tận dụng ánh sáng và không khí tự nhiên, từ đó giảm thiểu chi phí điện vốn rất cao trong lĩnh vực lưu trú.


Ngoài ra, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ cũng là một rào cản. Một số điểm đến có doanh nghiệp triển khai mô hình bền vững rất tốt, nhưng các dịch vụ xung quanh như nhà hàng, khách sạn, phương tiện di chuyển lại chưa đạt tiêu chuẩn tương ứng. Điều này làm giảm trải nghiệm của du khách và khiến du lịch bền vững khó mở rộng trên diện rộng.


Gen Z và du lịch bền vững: Nhận thức có đi đôi với hành động?

Gen Z là nhóm khách du lịch đang định hình xu hướng tiêu dùng mới, với sự quan tâm đặc biệt đến trách nhiệm xã hội và môi trường. Báo cáo từ The Outbox Company năm 2024 cho thấy 59.2% du khách Gen Z tìm kiếm thông tin du lịch qua mạng xã hội, và hơn 50% ưa chuộng các hoạt động liên quan đến văn hóa, thiên nhiên.

du lịch bền vững

Mặt khác, Gen Z cũng đòi hỏi sự tiện lợi cao. Nhiều bạn trẻ muốn lưu trú tại các khách sạn xanh và có đủ tiện ích như điều hòa hay dịch vụ hiện đại. Khi đi vào rừng để tìm sự thư giãn, họ vẫn thích có không gian lung linh ánh đèn và có thể dễ dàng chia sẻ khoảnh khắc lên mạng xã hội. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp du lịch bền vững: làm thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, vừa đảm bảo bảo vệ môi trường một cách hiệu quả?


Một trong những mô hình thành công trong việc cân bằng du lịch bền vững và kinh tế là Sơn Đoòng. Nhờ chính sách giới hạn số lượng khách và chiến lược giá cao, điểm đến này vẫn ít nhiều giữ được vẻ hoang sơ, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lớn. Ngoài ra, đơn vị vận hành tour tại khu vực này luôn phải thiết kế khoảng thời gian nghỉ hợp lý giữa các tour để thiên nhiên có thời gian hồi phục và tái sinh.


Theo chị Soline, thành công của Sơn Đoòng đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức bảo tồn, cùng với các tiêu chuẩn khắt khe từ UNESCO. Bên cạnh đó, nhóm du khách được lựa chọn kỹ lưỡng – những người có ý thức cao về bảo tồn và sẵn sàng chi trả cho trải nghiệm chất lượng – cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì sự bền vững của điểm đến này. Khi tất cả các bên cùng chung tay, việc bảo tồn mới thực sự hiệu quả, nếu không, dù một bên nỗ lực đến đâu cũng khó đạt được sự phát triển lâu dài.


Hướng đi nào cho tương lai?

Du lịch bền vững đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan: từ chính quyền, doanh nghiệp đến khách du lịch và cộng đồng dân cư địa phương. Các doanh nghiệp cần cam kết thực hiện các biện pháp bền vững ngay từ đầu, thay vì chỉ đối phó khi áp lực từ thị trường gia tăng. Chính quyền cần có các chính sách hỗ trợ và kiểm soát chất lượng để đảm bảo các tiêu chuẩn không chỉ tồn tại trên giấy tờ. Đồng thời, du khách cũng cần nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen tiêu dùng của mình, từ việc chọn nơi lưu trú đến cách tương tác với cộng đồng địa phương.


Chỉ khi tất cả các yếu tố này được kết hợp một cách chặt chẽ, du lịch bền vững mới có thể trở thành một chuẩn mực thực sự, thay vì chỉ là một xu hướng thoáng qua. Khi chúng ta đi du lịch có trách nhiệm, không chỉ thiên nhiên và cộng đồng địa phương được hưởng lợi, mà chính mỗi người cũng sẽ có những trải nghiệm trọn vẹn và ý nghĩa hơn.


Chân Mộc. 


Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Bài viết mới nhất
Xem nhiều

DEAR OUR COMMUNITY E-LEARNING

 Our online courses equip young people with the fundamental, practical knowledge and skills needed to embark on a sustainability career journey.

Khoá học của Dear Our Community
Khoá học của Dear Our Community
Khoá học của Dear Our Community
Khoá học của Dear Our Community
Khoá học của Dear Our Community
Khoá học của Dear Our Community
bottom of page