Dự đoán, ‘một thập kỷ tới, chuyển đổi xanh sẽ là một xu thế bắt buộc đối với doanh nghiệp logistics’
Ngành logistics đóng vai trò then chốt trong việc kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đồng thời cũng là một trong những ngành góp phần đáng kể vào lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Do đó, nghiên cứu và triển khai các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực logistics là nhiệm vụ cấp thiết đối với các doanh nghiệp.
Mới đây, chị Thuỳ Nguyễn, Giám Đốc Phát triển bền vững các quốc gia khu vực Mekong (Area Sustainability Manager) của A.P. Moller - Maersk (viết tắt Maersk), tập đoàn dịch vụ vận tải đa quốc gia đến từ Đan Mạch, đã có buổi chia sẻ với Dear Our Community về thị trường lao động trong ngành logistics. Qua đó, chị đưa ra góc nhìn chuyên môn dành cho những bạn trẻ muốn làm Phát triển Bền vững (PTBV) trong bối cảnh “Chuyển đổi Xanh” (Green Transition) đang dần trở thành xu hướng trên toàn cầu.
Chị Thuỳ Nguyễn, Giám Đốc Phát triển bền vững các quốc gia khu vực Mekong (Area Sustainability Manager) tại Maersk. (Nguồn: NVCC)
Theo chị, khi áp lực pháp lý tăng lên, nhu cầu về các chuyên gia phát triển bền vững lành nghề cũng tăng theo. Theo báo cáo “Tình hình nghề nghiệp bền vững năm 2024” bởi tổ chức Trellis Group, 74% các công ty đã gia tăng nhân sự về phát triển bền vững của họ trong hai năm qua. Sự gia tăng về số lượng nhân sự này phản ánh tầm quan trọng của tính bền vững trong chiến lược kinh doanh, khi các công ty đáp ứng nhu cầu thu thập và báo cáo dữ liệu một cách toàn diện hơn. Trong đó riêng với ngành logistics, thị trường giải pháp logistics xanh dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể, với giá trị dự kiến đạt 2,65 nghìn tỷ đô la vào năm 2032 (theo Global Market Insights). Sự tăng trưởng này đang tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các chuyên gia PTBV ở nhiều vai trò khác nhau, từ quản lý dự án đến chuyên viên phân tích.
Đơn cử tại Maersk, cách tiếp cận PTBV và chiến lược ESG được phát triển cùng với chiến lược kinh doanh “Kết nối toàn cầu”, phản ánh sự chuyển đổi của Maersk từ một tập đoàn vận tải biển thành một nhà cung cấp dịch vụ logistics đầu cuối. Chiến lược ESG (Environment, Social & Governance) của Maersk tập trung vào ba cam kết cốt lõi bao gồm 14 danh mục ESG mà Maersk có thể mang lại tác động lớn nhất trong việc giải quyết các thách thức về môi trường, thúc đẩy trách nhiệm xã hội và đảm bảo các hoạt động quản trị tốt. Theo đó, bộ phận Corporate Sustainability & ESG đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chiến lược, giám sát và hướng dẫn thực hiện ESG.
Dự án xe điện tại Thái Lan. (Nguồn: NVCC)
Cụ thể trong cam kết về “Môi trường”, cấu trúc nhân sự trong mảng PTBV của Maersk được chia thành các nhóm chuyên môn theo 2 danh mục ESG: chống biến đổi khí hậu được dẫn dắt bởi bộ phận Energy Transition (chuyên nghiên cứu, đưa ra các tiêu chuẩn, chiến lược về chuyển đổi năng lượng trong các hoạt động của tập đoàn); trong khi danh mục “Môi trường và hệ sinh thái” được lãnh đạo bởi bộ phận Safety & Resilience (tập trung vào các ưu tiên nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái liên quan). Do đó, muốn đảm nhận những vị trí này, trước tiên bạn phải có nền tảng liên quan như quản lý môi trường, quản lý logistics và chuỗi cung ứng, hiểu biết về các quy định pháp lý liên quan đến PTBV, kỹ thuật, năng lượng tái tạo hoặc quản lý rác thải đồng thời cần có những kỹ năng liên quan đến quản lý dự án, phân tích, giao tiếp hiệu quả và giải quyết vấn đề. Việc có thêm kiến thức hoặc kinh nghiệm về lĩnh vực logistics và giải pháp chuyển đổi năng lượng sẽ tăng tính cạnh tranh hơn khi ứng tuyển.
Bạn biết đó, PTBV là một lĩnh vực rộng và yêu cầu nhiều kỹ năng để đáp ứng những thách thức trong ngành đặc thù như logistics. Người trẻ cần hiểu rõ vai trò và ảnh hưởng của logistics đối với môi trường, kinh tế và xã hội. Một trong những cách nâng cao kỹ năng hiệu quả nhất chính là áp dụng mô hình học tập 70 - 20 - 10: 70% học từ công việc thông qua những dự án thực tế; 20% học từ đồng nghiệp và mạng lưới các chuyên gia; 10% từ học trong trường lớp. Trong đó, kỹ năng quản lý dự án đặc biệt quan trọng và đòi hỏi kỹ năng tổ chức tốt, khả năng phối hợp, đảm bảo các bên liên quan (stakeholder) thực hiện nhiệm vụ được yêu cầu và đảm bảo các dự án được hoàn thành đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách.
Giao tiếp hiệu quả cũng là một kỹ năng thiết yếu bên cạnh kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, giúp truyền đạt thông điệp ủng hộ các sáng kiến phát triển bền vững, giúp các bên liên quan hiểu vấn đề một cách rõ ràng nhất nhằm thúc đẩy các hoạt động PTBV trong doanh nghiệp được triển khai hiệu quả.
Tại Maersk, chị Thùy phụ trách từ việc quản lý môi trường, CSR (Corporate Social Responsibility) đến việc thiết lập lộ trình chuyển đổi năng lượng đến năm 2040 cho doanh nghiệp trong phạm vi đồng thời phối hợp với các bên chuyên môn trong tập đoàn triển khai các giải pháp logistics xanh giúp giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng tại thị trường địa phương. Các nhiệm vụ bao gồm xây dựng hệ thống QLMT, triển khai các dự án CSR, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật trong chuyển đổi xanh như xe điện, nhiên liệu sinh học (biofuel), chuẩn hóa báo cáo CO2, và tư vấn chiến lược giảm phát thải. Chị tiết lộ bản thân không học chuyên ngành về PTBV mà xuất thân từ ngành Kỹ thuật Môi trường, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực an toàn và môi trường.
Dự án Thư viện Container – một sáng kiến ý nghĩa nhằm mang đến không gian đọc sách và học tập thân thiện cho học sinh (Nguồn: NVCC)
Trước khi đầu quân cho Maersk, chị từng thực hiện nhiều dự án môi trường như tái chế vỏ hộp sữa, xây dựng hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy sản xuất… Cơ duyên làm PTBV của chị đến từ lòng ngưỡng mộ những cam kết và chiến lược PTBV của Maersk. Chị đặc biệt ấn tượng với giá trị khiêm tốn (humble) trong cách Maersk thực hiện và truyền tải các giải pháp bền vững.
Dù có nền tảng về môi trường và an toàn, cộng với kinh nghiệm làm việc, thời gian đầu chị cũng phải rất nỗ lực để học hỏi những kiến thức mới về PTBV. “Trong thời gian đầu, tôi phải nỗ lực đến 300% để hiểu về chiến lược, định hướng và lộ trình PTBV của Maersk. Điều này đã giúp tôi sớm hòa nhập và sẵn sàng vạch ra lộ trình PTBV phù hợp tại các quốc gia khu vực Mekong mà tôi phụ trách”, chị chia sẻ.
Hiện, team PTBV của chị Thuỳ còn 3 nhân sự khác, trong đó 2 nhân sự có nền tảng về quản lý môi trường và 1 nhân sự tốt nghiệp ngành kinh tế. Các bạn đều học hỏi khá nhanh, rất chủ động trong công việc và được tham gia các dự án thực tế từ rất sớm. Các bạn thường xuyên chủ động cập nhật các quy định pháp lý, chính sách và các tiêu chuẩn về môi trường quốc tế và địa phương nhằm đảm bảo sự tuân thủ và kịp thời tác động các giải pháp thực hành bền vững trong doanh nghiệp. Điển hình như Thỏa thuận Xanh của Châu Âu (The European Green Deal) được ban hành nhằm mục đích đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đưa Châu Âu trở thành lục địa trung hòa khí hậu đầu tiên trên thế giới. Những cam kết này của EU đặt ra các yêu cầu khắt khe về khí thải đối với các doanh nghiệp nhập khẩu vào châu Âu. Và vì vậy, nó không chỉ áp dụng với doanh nghiệp châu Âu mà còn cả với các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng ở các quốc gia thứ ba như Việt Nam.
Chị Thùy (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp tại Maersk. (Nguồn: NVCC)
“Làm việc trong lĩnh vực mới dễ gặp khó khăn, cần sự kiên nhẫn và quyết tâm” - chị nói, đồng thời dự đoán một thập kỷ tới, PTBV không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc, đặc biệt với các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp cần đón đầu và thực hiện chuyển đổi sớm để quản lý rủi ro và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Các bạn trẻ cũng cần học cách linh hoạt thích nghi với ngành nghề, cập nhật thông tin, công nghệ, kiên trì, và dám dấn thân. PTBV không chỉ tập trung ở lĩnh vực môi trường mà còn ở các khía cạnh xã hội và quản trị. Vì vậy, xuất thân từ đúng chuyên ngành là một lợi thế nhưng cũng không phải là điều bắt buộc, tuy nhiên cần có kiến thức hoặc kinh nghiệm nền liên quan và luôn sẵn sàng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng để thành công.
Dear Our Community thực hiện
Comments