Doanh nghiệp Xã Hội giải quyết vấn đề xã hội như thế nào?
Những vấn đề nhức nhối trong xã hội
Đó là những ngôi nhà bán hầm (một phần của ngôi nhà thấp hơn mặt đường và ở dưới lòng đất) ở Hàn Quốc mà bộ phim Ký Sinh Trùng (Parasite) lấy bối cảnh.
Những ngôi nhà này không hiếm ở Hàn Quốc, với giá thuê nhà trung bình năm 2020 là 95 triệu won một năm, xấp xỉ 1,7 tỷ VNĐ.
Vấn đề giá thuê nhà tăng cao đã trở thành vấn nạn của Hàn Quốc trong những năm gần đây khi giá thuê nhà đã vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình. Đứng trước thách thức xã hội này, các bạn sinh viên hoặc mới ra trường đi làm là những người chịu áp lực lớn nhất vì không thể chi trả nhà ở.
Woozoo – một doanh nghiệp xã hội bắt đầu kinh doanh vào năm 2012 để giải quyết vấn đề này. Họ đề xuất hình thức ở ghép để những người trẻ tuổi có thể dễ dàng tận hưởng cuộc sống ở Seoul và có bạn bè bên cạnh. Woozoo trở thành công ty nhà ở xã hội lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Hàn Quốc với việc mở chi nhánh thứ 100 trong năm 2017, chỉ 5 năm sau khi thành lập.
Doanh nghiệp Xã hội là gì?
Những doanh nghiệp xã hội (DNXH) đặt mục tiêu, sứ mệnh xã hội lên hàng đầu ngay từ khi thành lập. Họ sử dụng hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như một phương tiện để đạt được mục tiêu xã hội và phần lớn lợi nhuận được tái phân bổ lại cho tổ chức, cộng đồng và mục tiêu xã hội. Những hoạt động của doanh nghiệp xã hội nhằm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trong cộng đồng.
Định nghĩa về các DNXH khá đa dạng ở các quốc gia. Ở Việt Nam, pháp luật đã công nhận tính pháp lý của DNXH vào năm 2014 với các tiêu chí sau:
Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp
Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng
Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký
Và những câu chuyện về Doanh nghiệp Xã hội
Năm 2011 ước tính đã có đến 1000 DNXH hoạt động dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau theo khảo sát sơ bộ tại ba thành lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Các DNXH hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực và đóng góp vào những mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam hướng đến. Trong cuộc khảo sát nêu trên thì số lượng người được hưởng do các hoạt động DNXH cao hơn so với doanh nghiệp thông thường.
Tuy nhiên các DNXH ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức của xã hội và khung pháp lý hoàn chỉnh, thiếu vốn và khả năng tiếp cận nguồn tài chính, thiếu năng lực quản lý điều hành và chất lượng nhân sự, nhất là trong thời điểm đại dịch khó khăn vừa qua. Đặc biệt, những bạn trẻ tham gia vào những doanh nghiệp xã hội gặp nhiều thách thức về mặt thời gian, công sức và tài chính.
DNXH AIESEC Việt Nam – thành viên của AIESEC toàn cầu, với sứ mệnh là môi trường quốc tế để người trẻ có thể khai phá và phát triển tiềm năng lãnh đạo của họ, từ đó tạo ra tác động tích cực trên thế giới; cũng đã trải qua những thời điểm cực kỳ khó khăn để có thể lan tỏa được sứ mệnh của mình. Trước đây, AIESEC Việt Nam tổ chức những chuyến tình nguyện ngắn ngày và các cơ hội thực tập toàn cầu cho bạn trẻ Việt Nam và ngược lại. Tuy nhiên trong thời điểm đại dịch khó khăn, tất cả những chuyến thực tập và tình nguyện đều dừng lại. Các bạn trẻ đã phải thay đổi hoạt động bằng cách tổ chức những sự kiện trực tuyến đa dạng để tiếp tục sứ mệnh của mình. Đó là khi các bạn trẻ nhận ra mình mỏng manh như thế nào trước đại dịch và trước những khó khăn của bản thân.
Kết luận
Doanh nghiệp xã hội đã và đang là một phát kiến giúp cân bằng cả hai mặt thương mại và tác động xã hội bền vững.
Muhammad Yunus – nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Hòa bình vì những phát kiến xây dựng kinh tế bền vững tại quê nhà Bangladesh luôn nghĩ về một tương lai ba không: Không Nghèo Đói, Không Thất Nghiệp và Không Ô Nhiễm.
Ông nhấn mạnh vai trò của Doanh nghiệp xã hội sẽ bẻ gãy sự vô lý của hệ thống kinh tế hiện tại, tập trung vào lòng tốt của con người thay vì ham muốn làm giàu đơn thuần.
Comments