top of page

Nhiều doanh nghiệp tìm kiếm nhân lực về ESG - Bạn cần biết gì?


  • Vậy ESG là gì? Làm việc về ESG là làm gì?

  • Bạn trẻ cần chuẩn bị và nắm bắt cơ hội như thế nào trước xu hướng phát triển của ESG trên thế giới và cả ở Việt Nam?

Mời các bạn cùng theo dõi bài phỏng vấn với chị Cát Tường - hiện đang là ESG Manager tại Dynam Capital, công ty quản lý cho Quỹ đầu tư Vietnam Holding để có thêm những thông tin hữu ích khi tìm hiểu và theo đuổi lĩnh vực còn rất mới mẻ nhưng đầy hứa hẹn này.


Bài viết nằm trong series phỏng vấn những người thực hành trong lĩnh vực Tác động xã hội đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Mở đường dẫn lối” do Dear Our Community khởi xướng.

Nhiều doanh nghiệp tìm kiếm nhân lực về ESG - Bạn cần biết gì?
Nhiều doanh nghiệp tìm kiếm nhân lực về ESG - Bạn cần biết gì?

Khi tìm hiểu về ESG, em thấy khá là “hoang mang" vì đây là khía cạnh còn quá mới với em, tuy nhiên, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư lại đề cập về ESG khá nhiều trong thời gian gần đây. Vậy nên hiểu khái niệm ESG & đầu tư ESG như thế nào cho chính xác?


ESG - Environmental, Social & (Corporate) Governance, tạm dịch là Môi Trường, Xã Hội & Quản Trị Doanh Nghiệp - bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, và được cho là xuất hiện lần đầu tiên năm 2003 trong một báo cáo của Liên Hiệp Quốc mang tên “Who cares wins".


Trải qua gần hai thập kỷ, ESG đã phát triển từ một hệ thống báo cáo chuyên biệt cho các nhà đầu tư tài chính, trở thành một thuật ngữ chung để chỉ cách mà doanh nghiệp/ thương hiệu cân nhắc những tác động của sản phẩm, hoạt động kinh doanh lên môi trường, cộng đồng, đối tác và chính nhân viên của mình.

Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt, và do đó có khả năng tăng sức hấp dẫn của mình đối với các nhà đầu tư.

ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt
ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt

Bên cạnh đó, các số liệu nghiên cứu còn chỉ rằng những vấn đề ESG đang ngày một trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc người tiêu dùng đến với sản phẩm và dịch vụ của một thương hiệu. Theo Báo cáo Trải nghiệm khách hàng xuất sắc (CEE) 2022 của Việt Nam vừa được KPMG Việt Nam công bố, có tới 93% khách hàng tại Việt Nam sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm, dịch vụ được tích hợp ESG.


Không chỉ vậy, thực hành ESG còn giúp doanh nghiệp tăng sự tín nhiệm với chính nhân viên của mình, khiến họ muốn đồng hành và đóng góp nhiều hơn; cũng như việc đóng vai trò ngày càng quan trọng giúp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài thị trường.

  • Trong khi đó, đầu tư ESG về cơ bản là quá trình đánh giá tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp dựa trên chỉ số ESG mà doanh nghiệp cung cấp. Các nhà đầu tư tập trung vào giá trị bền vững như Dynam Capital sẽ xem xét những yếu tố về môi trường, xã hội, quản trị để đưa vào đánh giá rủi ro, tính toán các chỉ số về lợi nhuận tài chính trong trung và dài hạn, từ đó đưa ra quyết định đầu tư vào doanh nghiệp bằng nhiều cách.

Như vậy, không khó để nhận ra là có người làm về ESG tại doanh nghiệp, có người làm ở quỹ đầu tư, và nhìn chung, đều thực hành dựa trên các chuẩn mực và khung về ESG phổ biến hiện nay (GRI, IIRC, TCFD và SASB).


Theo quan sát của chị, thì hiện nay việc nhận thức và thực hành ESG tại các doanh nghiệp Việt Nam đang diễn ra như thế nào?


ESG là một cái khái niệm còn khá mới mẻ ở nước ta và mới chỉ được đề cập nhiều hơn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Theo Báo cáo "Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022" do công ty PwC và VIOD (Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam) thực hiện, 28% doanh nghiệp có các chỉ số rủi ro tổng hợp để giám sát tiến trình triển khai ESG, 35% doanh nghiệp chưa có bất kỳ sáng kiến hay thực hành nào liên quan đến ESG và 71% doanh nghiệp cho biết chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.


Như vậy, có thể thấy việc thực hành ESG ở Việt Nam vẫn còn phải cải thiện rất nhiều. Đặc biệt doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp thu hút đầu tư phát triển bền vững trong dài hạn.


những yếu tố quan trọng giúp thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong dài hạn.
những yếu tố quan trọng giúp thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong dài hạn.

Vậy công việc về ESG tại quỹ đầu tư như chị đang đảm nhận bao gồm những “scope” nào? Và chị có thể chia sẻ về những khó khăn chị nhận thấy từ việc chưa nhận thức đầy đủ và thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt không?


Các nhà đầu tư tổ chức khi nghiên cứu lựa chọn các công ty để đầu tư thường phải cân nhắc cả yếu tố tài chính và phi tài chính, trong đó ESG là yếu tố phi tài chính rất quan trọng cho việc đầu tư dài hạn. Do đó, để đưa ra một quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp cụ thể, một quỹ đầu tư phải có quy trình và cân nhắc rất nhiều yếu tố.


Vậy công việc về ESG tại quỹ đầu tư như chị đang đảm nhận bao gồm những “scope” nào? Và chị có thể chia sẻ về những khó khăn chị nhận thấy từ việc chưa nhận thức đầy đủ và thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt không?

Với vai trò là một người quản lý ESG, công việc chính của chị là tập trung xây dựng chính sách, chiến lược để lồng ghép ESG vào quy trình đầu tư như thế nào cho phù hợp. Từ giai đoạn chọn lọc, đánh giá các công ty để đầu tư, tới giám sát những cam kết và thực hành của doanh nghiệp trên thực tế, cho tới việc đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm cải thiện khả năng thực hành ESG. Đây cũng là những hoạt động để thể hiện cam kết của một nhà đầu tư có trách nhiệm đối với các khoản đầu tư của mình.


Nói ngắn gọn là vậy, nhưng thực chất khối lượng công việc cũng khá nhiều, từ việc phải thu thập thông tin, số liệu qua việc đọc các báo cáo của doanh nghiệp; gặp gỡ trao đổi với nhiều phòng ban, cấp bậc; làm bảng hỏi khảo sát và theo dõi đánh giá, tư vấn liên tục ...


Mục tiêu cuối cùng là chọn được những doanh nghiệp phù hợp để đầu tư và đồng hành cùng họ trong hành trình cải thiện ESG, giúp họ xây dựng chiến lược để phát triển kinh doanh một cách bền vững.

Như chia sẻ ở trên, khi doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ và thực hành đúng, vai trò của nhà đầu tư rất quan trọng. Mình sẽ tham gia và tư vấn rất chi tiết, đồng hành cùng họ trong các hoạt động cụ thể. Và đây thực sự là một hành trình cần nhiều nỗ lực, đòi hỏi thời gian, công sức và nhiều nguồn lực khác để giúp doanh nghiệp cải thiện về ESG. Từ đó, bản thân quỹ cũng sẽ được hưởng lợi từ chính những hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.


Để làm được công việc này, chị đánh giá đâu là những kỹ năng quan trọng nhất mà các bạn trẻ cần phải chuẩn bị ngay từ hôm nay?


Công việc của chị cần phải gặp gỡ rất nhiều đối tác thuộc nhiều lĩnh vực với vị trí và vai trò khác nhau để có thể phân tích và đánh giá việc thực hành ESG của một doanh nghiệp. Trong khi đó, ESG vẫn còn là một khái niệm khá mới tại Việt Nam, và bắt buộc phải vừa làm vừa học. Qua quá trình làm việc, chị đúc rút được một vài kỹ năng quan trọng như sau:

  • Tư duy liên ngành (transdisciplinary thinking): Đây là kỹ năng rất quan trọng vì bản chất ESG đã bao gồm 3 thành tố rất rộng lớn là Môi trường, Xã hội & Quản trị doanh nghiệp. Xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá các yếu tố này đã đòi hỏi một sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác nhau và tư duy kết nối.

  • Tư duy mở: Để có thể vận dụng linh hoạt, biết cân nhắc lợi ích của các bên liên quan, giúp xây dựng được một chính sách ESG có sự gắn kết, không gây áp lực hoặc áp đảo đối với bất cứ phòng ban hay đối tác nào để tránh phản tác dụng.

  • Khả năng xây dựng các mối quan hệ: Vị trí ESG sẽ cần làm việc với rất nhiều phòng ban, bộ phận, đối tác khác nhau. Do đó, kỹ năng về xây dựng mối quan hệ là cực kỳ quan trọng trong việc giúp bạn có được những thông tin và sự hỗ trợ cần thiết khi cần.

  • Khả năng tự học: ESG là một lĩnh vực hoàn toàn mới, đòi hỏi phải trau dồi thêm rất nhiều kiến thức. Ví dụ, trước đây chị học và có kinh nghiệm ở khía cạnh Môi trường, nhưng khi lồng ghép ESG vào phân tích đầu tư, chị phải chủ động tự học rất nhiều về tài chính, phải đọc nhiều báo cáo thường niên của các công ty, gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều đối tác trong lĩnh vực này. Nếu mình không chủ động “upgrade" bản thân thì mình rất dễ bị đào thải.


Có những cơ hội và thực tế nào cần lưu ý khi theo đuổi công việc này tại thị trường Việt Nam?


Hiện tại ESG đang thu hút sự quan tâm nhiều hơn của doanh nghiệp khi trở thành một chỉ số quan trọng giúp thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và đồng thời cũng được xem là yếu tố mang lại tính cạnh tranh lâu dài cho doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu xây dựng, thực hành và báo cáo về ESG trong doanh nghiệp chắc chắn là có. Đó là cơ hội nghề nghiệp cho những ai muốn theo phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.


Tuy nhiên, vì là một mảng khá mới, nên chúng ta sẽ cần chủ động hơn, sáng tạo hơn, và kiên nhẫn hơn để thấy được hiệu quả và tác động mà công việc mình mang lại.


Em đang bắt đầu quan tâm về ESG nhưng chưa biết nên chuẩn bị hay bắt đầu với lĩnh vực này như thế nào? Chị có thể cho em lời khuyên không?


Chị nghĩ các bạn có thể chọn các ngành học bắt đầu bằng chính những từ khóa trong ESG. Ví dụ như học về Quản lý môi trường, tài nguyên hay xử lý rác thải,... các ngành học thiên về kỹ thuật để mình hiểu được chữ E (Environment); hay học các ngành liên quan tới xã hội, con người và quản trị doanh nghiệp để hiểu được chữ S (Social) và chữ G (Quản trị).


ESG là công việc cần những bạn đã có kinh nghiệm và kỹ năng đủ đảm bảo cho việc lên kế hoạch chiến lược và thực thi, do đó, bạn cần tích lũy cho mình kha khá vốn hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng để đảm nhiệm được vị trí thử thách nhưng không kém phần thú vị này.


Em có thể phát triển sự nghiệp của mình tới mức nào nếu theo đuổi làm về ESG?


Trong doanh nghiệp thì công việc về ESG liên quan đến Sustainability (Bền vững) khá nhiều, vì bản chất Sustainability đã là một khái niệm bao trùm cả ESG. Do đó, từ ESG bạn hoàn toàn có thể phát triển lên vị trí Chief Sustainability Officer (Giám đốc Phát triển Bền Vững).


Bạn cũng có thể đi theo hướng trở thành một nhà tư vấn chiến lược ESG độc lập cho các doanh nghiệp. Nếu tham vọng hơn nữa thì bạn có thể học thêm về MBA hay tài chính để có thể trở thành CEO cho chính doanh nghiệp đó.


Chị có nghĩ thị trường của Việt Nam trong tương lai gần sẽ cần nguồn nhân lực đảm nhiệm công việc về ESG không?


Tất nhiên là có, vì xu hướng hiện nay là các doanh nghiệp đang cần phải đảm bảo được những cam kết về phát triển bền vững. Trong năm 2021-2022 vừa qua, Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ liên quan tới phát triển bền vững, kinh tế xanh, thiết lập các khung hành động cụ thể. Đây là những yếu tố sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phải lựa chọn hướng đi bền vững hơn, cân bằng các lợi ích của cả 3 trụ cột là môi trường, xã hội và chính bản thân doanh nghiệp, có như vậy doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững trong dài hạn.


Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt đang áp dụng Bộ tiêu chuẩn báo cáo Global Reporting Initiative (GRI) về Phát triển bền vững, và khối lượng công việc để thực hiện các báo cáo này như thu thập dữ liệu, làm việc với nhiều phòng ban khác nhau hay thuyết trình với nhà đầu tư, đối tác, ...cũng không hề nhỏ. Do đó, sẽ phát sinh nhu cầu về nguồn nhân lực đáp ứng đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để đảm nhận.


Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang tìm kiếm công việc về ESG hiện nay?


Tính chủ động là cái chị muốn “highlight” đối với các bạn trẻ hiện nay. Chủ động tìm hiểu thông tin, tìm hiểu ngành nghề để xác định rõ định hướng công việc phù hợp. Sau đó, các bạn cần chủ động dấn thân làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức mà lĩnh vực hay chức năng công việc có thể hỗ trợ tốt nhất cho định hướng làm về ESG hay phát triển bền vững nói chung.


Ngoài ra, các bạn cũng cần tự trau dồi kỹ năng, tìm kiếm các cơ hội học tập, nâng cao năng lực và sự hiểu biết của mình mỗi ngày. Và chị tin các bạn sẽ đi nhanh hơn trên hành trình này.


Rất cảm ơn chị vì bài phỏng vấn trên.

—------------------------

(Còn tiếp - Những trải nghiệm tại một tổ chức phi lợi nhuận đã giúp chị Tường đảm nhiệm công việc ESG tại Quỹ đầu tư như thế nào?)

 

Làm sao để đọc tiếp về chủ đề & trao đổi sâu hơn với chị Tường?

  • Cách 1: Theo dõi & gửi câu hỏi trực tiếp với chị Tường qua series video đang ghi hình mới toanh Mở Đường Dẫn Lối. Hạn chót gửi câu hỏi: 23/2/2023. Series phát sóng tập 1 ngày 2/3/2023.

  • Cách 2: Tiếp tục theo dõi loạt bài phỏng vấn tiếp theo trong thời gian tới về các công việc Quản lý Chương trình, Gây quỹ và Truyền thông.

  • Cách 3 (quan trọng lắm nè): Nhấn theo dõi Dear Our Community và tham gia cộng đồng bạn trẻ dấn thân với các công việc tạo tác động xã hội TẠI ĐÂY để không bỏ lỡ những cập nhật mới nhất.

 

Chị Tường Nguyễn đảm nhiệm vai trò Quản lý về ESG tại Dynam Capital, phụ trách về phát triển các chính sách và thực thi ESG, giám sát hiệu suất ESG của danh mục đầu tư và trực tiếp dẫn dắt các hoạt động với doanh nghiệp. Trước đó, chị có thời gian làm việc tại PRO Việt Nam - Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, thành lập bởi các công ty hàng tiêu dùng nhanh hàng đầu hoạt động nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trước đó, chị có thời gian làm việc tại tổ chức CHANGE, tổ chức phi lợi nhuận hành động vì khí hậu và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Chị cũng là một trong những người đầu tiên đóng góp cho Fair Finance Vietnam - một sáng kiến của Oxfam Việt Nam nhằm thực hiện các đánh giá hàng năm về ESG cho các ngân hàng thương mại. Chị có bằng Thạc sĩ Môi trường chuyên ngành Quản trị, Chính sách và Truyền thông của Đại học Melbourne, Úc và bằng Cử nhân Khoa học Xã hội chuyên ngành Nghiên cứu Phát triển Bền vững của Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương, Nhật Bản.

Vietnam Holding (VNH) là một quỹ đầu tư niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán London, do Công ty Quản lý quỹ Dynam Capital có trụ sở tại Guernsey quản lý. VNH đầu tư vào danh mục các công ty tại Việt Nam có mức tăng trưởng cao đồng thời thoả mãn các tiêu chí Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG). VNH trở thành quỹ đầu tư đầu tiên trong số các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các Nhà đầu tư có Trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc từ năm 2009. Trong nhiều năm qua VNH đã tích cực tổ chức các hội thảo và diễn đàn để giúp nâng cao nhận thức về các nguyên tắc bền vững trong cộng đồng đầu tư của Việt Nam.Dynam Capital, đơn vị quản lý quỹ của VNH cũng là một thành viên của Nhóm Nhà đầu tư Châu Á vì Mục tiêu Khí hậu (AIGCC) với hơn 50 thành viên đến từ 11 thị trường, quản lý khối tài sản trị giá 36 nghìn tỷ USD.



0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page