Chiến dịch cộng đồng “Giữ Mình Toàn Mạng”: Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Sinh ra trong thời đại số, người trẻ thường sử dụng rất nhiều ứng dụng công nghệ khác nhau cho công việc và cuộc sống, nhưng không phải ai cũng biết cách bảo vệ dữ liệu cá nhân để tránh các rủi ro như mất dữ liệu cá nhân quan trọng, nguy hiểm hơn là trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo. Với tỷ lệ dân số trẻ cao, cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh và internet, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Dear Our Community (DOC) với Chiến dịch cộng đồng "Giữ Mình Toàn Mạng" mang thông điệp chính: Dù bạn làm gì trên Internet, hãy luôn nhớ giữ an toàn cho bản thân vì bạn chỉ có một "mạng" để sống.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại số hóa
Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, được Chính phủ ban hành vào tháng 4/2023, đã ghi nhận các quyền lợi cơ bản của cá nhân về thông tin và dữ liệu, đồng thời đặt ra các yêu cầu và quy định cho doanh nghiệp và cơ quan chuyên trách để kiểm soát và bảo vệ dữ liệu của công dân Việt Nam. Tính đến tháng 2/2022, Việt Nam có 72,10 triệu người dùng Internet, với thời gian trung bình sử dụng Internet là 6 giờ 38 phút mỗi ngày. Trong số đó, có 58 triệu tài khoản Facebook và 62 triệu tài khoản Google.
Theo báo cáo năm 2021 của Liên minh Chống lừa đảo Toàn cầu (GASA), Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao với 0,89 vụ trên 1.000 dân, chỉ trong năm 2021, người dân Việt Nam đã bị thiệt hại khoảng 374 triệu USD vì lừa đảo.
Số vụ tấn công lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á trong 6 tháng đầu 2022.
(Số liệu theo Kosspersky)
Khoảng đầu năm nay, câu chuyện một sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tìm việc làm bị lừa bán sang Campuchia đang gây xôn xao dư luận. Thực trạng sinh viên tìm việc bị rơi vào vòng xoáy đa cấp dẫn đến bỏ học, bị lừa tiền, thậm chí bị lừa bán sang Campuchia như một trường hợp trên, đều có chung lý do là thiếu cảnh giác trong khi thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên các website và trang mạng xã hội.
Làm sao để "Giữ Mình Toàn Mạng"?
Hiểu được những rủi ro, cũng như xu hướng tiêu thụ nội dung giải trí vui nhộn để tiếp thu kiến thức của khán giả trẻ. Chiến dịch truyền thông "Giữ Mình Toàn Mạng" được Dear Our Community thiết kế và sản xuất các nội dung theo các hình thức gần gũi với khán giả trẻ như Tiktok và Comic Series.
Chiến dịch đặt ra các mục tiêu:
Nâng cao nhận thức của giới trẻ về tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khi sử dụng Internet.
Cung cấp kiến thức và công cụ hữu ích để giúp các bạn trẻ biết cách bảo vệ thông tin cá nhân và tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Thúc đẩy doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam chú trọng và hành động để bảo vệ dữ liệu khách hàng tốt hơn, tuân thủ Nghị Định 13 về Bảo Vệ Dữ Liệu Cá Nhân vừa được ban hành.
Chiến dịch hướng tới hai nhóm khán giả chính:
Nhóm thứ nhất: Thanh thiếu niên, từ 13-17 tuổi, sống ở cả thành thị và nông thôn, thường truy cập internet mà không có giám sát chặt chẽ của cha mẹ và dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè. Họ bị thu hút bởi các nội dung và trò chơi trực tuyến mà không nhận thức được rủi ro về dữ liệu cá nhân.
Nhóm thứ hai: Thanh niên từ 18-24 tuổi, tự do truy cập internet bất cứ lúc nào. Đa phần, họ có nhu cầu tìm việc làm bán thời gian và tìm kiếm các mối quan hệ hẹn hò, nhưng thường thiếu cảnh giác về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bằng cách sử dụng chiến lược truyền thông phù hợp và nhắm vào mục tiêu cụ thể, chiến dịch “Giữ Mình Toàn Mạng" bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng mong muốn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và bảo vệ người dùng khỏi các mối đe dọa trực tuyến.
Để tiếp cận được đến với cộng đồng người trẻ thích các nội dung vui nhộn, chiến dịch khởi động bằng việc hợp tác với Anh Trọc Comics, nhân vật vẽ tranh comic có rất nhiều người theo dõi, để sản xuất series truyện tranh nhằm nâng cao nhận thức của người xem về các nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu cá nhân từ nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. Để biết thêm chi tiết, hãy đọc bài viết "Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bị rò rỉ thông tin cá nhân?" để có thể trang bị thêm kiến thức giúp tránh các rủi ro này.
Sau series truyện tranh nâng cao nhận thức về các rủi ro, chiến dịch tiếp tục cho ra mắt chuỗi 11 video TikTok “Bảo Vệ Dữ Liệu Cá Nhân Trong Thế Giới Đa Vũ Trụ” hợp tác với Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC). Nhằm giúp các kiến thức mang tính kỹ thuật của Hiếu được dễ dàng tiếp thu bởi khán giả trẻ, chiến dịch đã xây dựng concept nội dung sáng tạo khi để Ngô Minh Hiếu hóa thân vào 3 nhân vật truyện tranh nổi tiếng với đọc giả Việt Nam như Người Nhện (Spiderman), Nobita và Thám tử Conan. Mục tiêu của chuỗi video nhằm cung cấp kiến thức và công cụ thực tế giúp người xem biết cách bảo vệ dữ liệu cá nhân, tránh bị đánh mất thông tin và rơi vào các bẫy lừa đảo.
Trong chuỗi series video TikTok “Hiếu PC trong thế giới đa vũ trụ”, Ngô Minh Hiếu biến thành 3 nhân vật truyện tranh nổi tiếng là Spiderman, Nobita và Thám tử Conan
Không chỉ tập trung vào việc nâng cao nhận thức của giới trẻ qua những nội dung vui nhộn và hài hước, chiến dịch còn tổ chức hai sự kiện cung cấp các kiến thức sâu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân dành cho doanh nghiệp và sinh viên:
1. Sự kiện "BẢO VỆ DỮ LIỆU KHÁCH HÀNG TRONG LUẬT BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TẠI VIỆT NAM" diễn ra vào ngày 08/06/2023 với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia đến từ các công ty toàn cầu như KPMG Việt Nam, GeoComply và HSBC Việt Nam, nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Nghị định 13 và cách thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Bà Amarjit, Giám Đốc, KPMG Việt Nam đã chia sẻ: "Mỗi doanh nghiệp sẽ thu thập và sử dụng dữ liệu theo những cách khác nhau. Nên thay vì đưa ra những quy định cụ thể để các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu như thế nào, thì Nghị Định 13 đã đưa ra các nguyên tắc chính bao gồm 8 nguyên tắc mà chúng ta cần phải tuân thủ."
Ông Trí Trần, Quản lý Khối dữ liệu, GeoComply Việt Nam đã đưa ra nhận định: "Khi chúng ta thu thập và sử dụng dữ liệu, chúng ta nên xác định rõ chủ thể dữ liệu là ai, không chia sẻ nhiều hơn mức cần thiết, cần phân tích và hiểu về họ trước khi chia sẻ các cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có các phòng ban chuyên về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân."
Anh Hoàng Hà, Giám đốc Bảo mật Dữ liệu Cá nhân, HSBC Việt Nam: "Chúng ta có thể cùng nhau nhấn mạnh vai trò của quyền riêng tư ở trong chính tổ chức của mình, có thể đóng góp việc bảo vệ dữ liệu khách hàng qua việc thực hành các giải pháp thiết thực để thực hành tốt trong vấn đề bảo vệ dữ liệu. Mỗi doanh nghiệp nên bắt tay xây dựng văn hóa bảo vệ dữ liệu ngay từ bây giờ để có thể tuân thủ tốt hơn. Qua đó xây dựng lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp mình”
Sự kiện diễn ra với sự tham gia của các diễn giả đặc biệt với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn dữ liệu, công nghệ và luật tại Việt Nam
2. Sự kiện "GIỮ MÌNH TOÀN MẠNG: BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TRONG THẾ GIỚI AI-DRIVEN" được tổ chức với sự phối hợp của Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM, giúp sinh viên hiểu thêm về quyền dữ liệu cá nhân theo nghị định mới này. Tại đây, các bạn trẻ có cơ hội đối thoại và đặt câu hỏi trực tiếp với doanh nghiệp và chuyên gia để biết cách bảo vệ mình trên không gian mạng.
“Những bài học từ sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với em, em đã có thêm những kiến thức cũng như kỹ năng để bảo vệ mình khi sử dụng mạng. Em cũng rất vui khi có cơ hội được gặp gỡ các anh chị diễn giả đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ như chị Happy Nguyễn, cô Amarjit và anh Hiếu PC”, một bạn sinh viên tham dự sự kiện chia sẻ.
Sự kiện đã nhận được hơn 2.800 lượt view livestream trên facebook và sự góp mặt của 100 bạn sinh viên trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM
Tổng kết
Chiến dịch "Giữ Mình Toàn Mạng" tự hào vì đã thành công trong việc vận động sự tham gia của các bên khác nhau từ doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, chuyên gia, nghệ sĩ và trường đại học, để đóng góp các kiến thức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và bảo vệ dữ liệu cá nhân cho doanh nghiệp và người trẻ.
Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều người, với con số 475.580 lượt tiếp cận và tương tác trên các kênh mạng xã hội. Điều này phần nào minh chứng việc chiến dịch đã lan tỏa tốt thông điệp quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tạo ra một môi trường an toàn hơn trên internet.
Đặc biệt, sự kiện dành cho sinh viên đã được sự quan tâm chia sẻ từ HTV - Đài Truyền hình TP.HCM. Xem chi tiết tại đây
Chia sẻ và kết luận
Trong quá trình xây dựng và triển khai chiến dịch “Giữ Mình Toàn Mạng", Dear Our Community luôn trăn trở về việc làm sao có thể truyền tải các nội dung khô khan như luật định, kỹ thuật, công nghệ một cách thật sự gần gũi và dễ hiểu nhất cho người quan tâm.
Thông qua kinh nghiệm, hiểu biết sâu trong lĩnh vực tác động xã hội, cách truyền tải thông điệp vừa ý nghĩa vừa nhẹ nhàng, cũng như nhờ có được mạng lưới các đối tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã giúp Dear Our Community có thể triển khai thành công dự án.
Chiến dịch “Giữ Mình Toàn Mạng" được sự đồng hành của các đối tác là Oxfam in Vietnam, KPMG Vietnam, tổ chức phi lợi nhuận địa phương ChongLuaDao.vn và được tài trợ bởi công ty GeoComply Việt Nam.
DOC luôn hân hạnh khi được nhiều đối tác tin tưởng để thực hiện nhiều chiến dịch, dịch vụ nội dung trong lĩnh vực phát triển bền vững và tác động xã hội (social impact content). Qua các sản phẩm nội dung, DOC muốn đóng góp vào việc nâng cao nhận thức và tiếp cận với chủ đề phát triển bền vững, ESG, tác động xã hội trong cộng đồng doanh nghiệp và người trẻ, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội.
Nếu bạn quan tâm về dịch vụ nội dung chuyên về phát triển bền vững và tác động xã hội, cũng như mạng lưới để lan tỏa những nội dung và kiến thức quan trọng này, hãy liên hệ với DOC tại địa chỉ hello@dearourcommunity.com để trao đổi cơ hội hợp tác.
Comments