Cần 10.000 giờ để thuần thục kỹ năng? Bạn ơi, thế là không đủ
Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới nhất, thì bỏ ra 10.000 giờ để thực hành kỹ năng là không đủ.
Tôi không sợ 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ một cú đá được thực hành 10.000 lần.
Bạn có thấy câu nói này quen không? Đó là câu nói của Lý Tiểu Long – ngôi sao võ thuật nổi tiếng Trung Hoa. Ngay cả Lý Tiểu Long cũng đã nói như vậy, tại sao chúng ta lại không nên tin vào điều này?
Thực tế, câu nói của Lý Tiểu Long và lý thuyết 10.000 giờ thiếu một thành tố quan trọng là quá trình nâng cấp và cải thiện sau mỗi lần thực hành. Nếu bạn chỉ luyện tập một cú đá mà không đánh giá lại quá trình và tìm hiểu lỗi sai nằm ở đâu, thì bạn không luyện tập một cú đá 10.000 lần, bạn chỉ lặp lại cú đá 10.000 lần mà thôi. ”KỸ NĂNG NÊN ĐƯỢC LUYỆN TẬP NHƯ THẾ NÀO?”
Trong cuốn sách Grit (lại là Grit) của Angela Duckworth, bà đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về quy trình luyện tập có ý thức để trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực:
Xác định một một mục tiêu rõ ràng và dài hạn
Tập trung hoàn toàn vào quá trình luyện tập
Nhận được nhận xét ngay lập tức và có tính xây dựng
Ôn tập, lặp đi lặp lại quá trình hàng ngày đến khi thành thói quen
Điều có nghĩa là: Nếu bạn đang học một kỹ năng mới như tiếng Trung
Một người bình thường:
Vào nhà sách, chọn 1 cuốn sách tiếng Trung có bài tập và file nghe
Học theo cuốn sách
Thỉnh thoảng bạn vào Youtube để nghe một vài video phân tích về bài học
Bạn cảm thấy tiếng Trung sao mà khó quá, không thể tự học được, bạn hoặc là đăng ký lớp học, hoặc là từ bỏ.
Nhưng nếu muốn rèn luyện tiếng Trung hiệu quả hơn, câu chuyện sẽ như sau:
1. Mình đặt một mục tiêu rõ ràng và cụ thể cho việc học tiếng Trung Quốc
VD: Sau hai năm đạt trình độ HSK3, trong đó 6 tháng đầu tiên mình tập trung học HSK1, 6 tháng sau học HSK2, và 1 năm sau học HSK3, chia ra trung bình một ngày mình sẽ cần học 4 trang giáo trình.
2. Tập trung hoàn toàn vào việc thực hành
VD: Mình đặt ra khung giờ từ 9h tối đến 10h tối chỉ học tiếng Trung và chỉ tập trung vào 4 trang giáo trình ấy, điều này cần những phương pháp tránh trì hoãn và quản lý năng suất mà mình sẽ đề cập sau.
3. Nhận được nhận xét ngay lập tức và có tính xây dựng
VD: Trong quá trình học, mình có thể áp dụng hai phương pháp là nhờ một người có nền tảng tiếng Trung tốt kèm mình mỗi buổi và chỉ ra những lỗi sai mình thường hay gặp ngay lúc đó; hoặc nếu mình tự học, thì mình sẽ ghi chép lại những lỗi sai so với đáp án và làm đi làm lại đến khi không còn sai nữa.
4. Kiên trì lặp đi lặp lại đến khi trở thành thói quen
VD: Sau khoảng hai tháng thực hành, mình cảm thấy việc ngồi vào bàn từ lúc 9h tối đến 10h tối không còn là “cực hình” nữa, và mình bắt đầu đạt được những thành tích đầu tiên khi học tiếng Trung. Nếu mình kiên trì trong vài năm tới, mình sẽ thuần thục và giỏi tiếng Trung hơn nữa.
Nếu mình dừng lại nửa chừng thì sao?
Có nhiều lý do để chúng ta dừng việc luyện tập, chẳng hạn như khi nhận ra bản thân không phù hợp với kỹ năng này, hoặc không đủ đam mê để theo đuổi,… Mình hoàn toàn thông cảm với các lý do trên, vì bản thân việc thử và dấn thân đã là điều đáng khích lệ.
Nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu:
Thử liệt kê 3 lý do vì sao kỹ năng này là cần thiết với mình trước khi học
Tìm được người đồng hành (thầy cô, bạn bè,…) cùng mình “chinh chiến”
Khẳng định sự cam kết của mình (Mình sẽ học được kỹ năng Y trong X tháng tới) với bạn bè và người thân.
Chị Maggie Tuyết Anh, khách mời mới nhất của Dear Our Community cũng đã sử dụng bí quyết số 3 để hoàn thành cuốn sách thứ hai của mình trong thời gian ngắn kỷ lục đấy.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ có một cơ chế để vượt qua sự trì hoãn của mình, ngay những người kiên trì cũng có lúc chùn bước, vì thế xác định mục tiêu và sự cam kết là điều nên làm trước khi bắt tay vào học bất cứ kỹ năng nào,
Học hành là con đường dài mà đích đến sẽ khiến bạn tự hào. Hãy nâng cấp chính mình nhé.
Còn bạn, năm nay bạn muốn học kỹ năng nào mới?
Comments