Áp lực đồng trang lứa -Tôi có đang thành công muộn hơn người khác?
Bạn có bất ngờ khi biết rằng nữ thần tượng Lee Seo của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc IVE đã chính thức ra mắt khi mới tròn 15 tuổi?
Nữ thần tượng Lee Seo của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc IVE (Nguồn: Kbizoom)
Không chỉ Lee Seo, nền giải trí Hàn Quốc ngày càng đón nhận những nhóm nhạc trẻ ra mắt với độ tuổi trung bình từ 18 đến 19 tuổi, lứa tuổi chưa được công nhận là trưởng thành tại Hàn Quốc.
Bạn nghĩ con số trên biểu thị điều gì? Với mình, đó là cách thế giới hiện đại đã thúc đẩy nhanh quy trình và khiến giới trẻ đang mang trên vai mình một trách nhiệm phải thành công sớm.
Mở rộng ra trên quy mô toàn thế giới, không khó để bắt gặp những bạn trẻ 20, 21 tuổi tốt nghiệp những chương trình học danh giá và mức lương khởi điểm lên đến hàng ngàn đô. Với những người bạn của mình tại Việt Nam, có những bạn đã kịp chạm tay đến mức lương tám chữ số khi chưa ra trường. Mình cảm thấy tự hào với những thành công của những người bạn, nhưng đồng thời cũng cảm thấy áp lực đồng trang lứa.
Áp lực đồng trang lứa là gì?
Peer pressure là một thuật ngữ chuyên ngành giáo dục, tâm lý học và trong tiếng Việt có nghĩa là áp lực đồng trang lứa. Theo từ điển tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Nói đơn giản hơn, đó chính là cảm giác tự ti của bản thân khi không đạt được những điều giống với bạn bè xung quanh.
Như hai mặt của đồng xu, mình tin rằng những thành công đến sớm của các bạn trẻ là phản ánh thời đại công nghệ kỹ thuật phát triển, với những kiến thức và kỹ năng được tiếp cận ở độ tuổi khá sớm, điều này cũng giống như công nghệ sinh học cho ra những thành phẩm trong thời gian ngắn kỷ lục. Nhưng bên cạnh đó mình cũng băn khoăn rằng quá trình này có khiến nhiều bạn trẻ trở nên tự ti hơn vì có con đường phát triển khác với bạn bè mình?
Tại sao áp lực đồng trang lứa lại đáng sợ đến thế?
Theo quan điểm cá nhân, áp lực đồng trang lứa bắt nguồn từ tập tính sống tập thể và nỗi sợ không được xã hội chấp nhận. Từ xa xưa, con người đã sinh sống theo bầy đàn, chính vì thế việc được tập thể chấp nhận là một trong những ưu tiên hàng đầu để sinh tồn. Tuy nhiên, điều này vô hình trung tạo nên sức ép phải hòa nhập và được tập thể chấp nhận cho những cá nhân trong tập thể. Ở mức độ nhóm càng lớn, sự căng thẳng này càng cao.
Bên cạnh đó, việc không đạt được thành công như những người bạn đồng trang lứa cũng khiến chúng ta cho rằng mình là người kém ưu tú hơn, và sẽ dễ bị bỏ lại đằng sau. Cá nhân mình nghĩ rằng quá trình này khá giống với cơ chế chọn lọc tự nhiên trong quá trình tiến hóa.
Vậy cơ hội nào cho những bông hoa nở muộn?
Trước khi phân tích về những thời điểm chín muồi cho thành công, mình xin phân tích 2 khía cạnh: Thứ nhất là về mô hình phát triển của con người, và thứ hai là một chỉ số trong thang đo Tính Bền Bỉ của học giả Angela Duckworth.
1) Con đường phát triển sự nghiệp
Có khá nhiều mô hình giản lược về con đường phát triển sự nghiệp của một người, trong đó có dạng Chuyên gia (Specialist), người có kiến thức tổng quan (Generalist) và người có hướng phát triển dạng chữ T (T-shaped)
Chuyên gia (Specialist), đúng như tên gọi, là người có kỹ năng chuyên sâu trong một lĩnh vực nhất định. Những người này tìm ra lĩnh vực họ muốn gắn bó lâu dài và tập trung vào việc xây dựng các kỹ năng xung quanh lĩnh vực đó. Theo thời gian, họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực.
Mặt khác, những người có kiến thức tổng quan (Generalist) thường có kiến thức và kỹ năng đa dạng, họ có thể thấy nhiều khía cạnh của vấn đề và từ đó có những giải pháp tổng quan.
Tuy nhiên, xã hội phát triển đã đem đến một dạng phát triển mới là chữ T (T-shaped) dung hòa được cả hai dạng phát triển trên. Tài liệu tham khảo đầu tiên về dạng phát triển hình chữ T được thực hiện bởi công ty McKinsey vào năm 1980. Thuật ngữ này được phổ biến lại bởi CEO của công ty tư vấn thiết kế IDEO, Tim Brown. (CFI 2015).
Trong đó, một người phát triển theo hình chữ T là người sở hữu một nền tảng kiến thức cơ bản rộng lớn. Ngoài ra, người đó cũng có kiến thức và kỹ năng sâu sắc trong một số lĩnh vực / lĩnh vực chuyên môn mà người đó mong muốn gắn bó.
Câu hỏi đặt ra là: Làm sao chúng ta biết được chúng ta muốn được phát triển theo dạng nào? Và điều này có tốn thời gian không khi bạn bè đã vượt chúng ta rất xa? Câu trả lời có ngay tiếp theo sau.
2) Chỉ số Hứng thú trong thang đo Tính Bền Bỉ (GRIT) của Angela Duckworth
Trong cuốn sách GRIT của Angela Duckworth, cô chỉ ra rằng hầu hết những người cô phỏng vấn phải mất nhiều năm để tìm hiểu những sở thích khác nhau, rồi cuối cùng, một sở thích xuất hiện đã choán hết tâm trí họ lại không phải điều mà họ lựa chọn ban đầu.
Angela cũng nhấn mạnh rằng không được bỏ qua những năm đầu phát triển sở thích. Vì có những vận động viên bơi lội đã dành rất nhiều thời gian để thử qua các bộ môn khác trước khi thật sự gắn bó với bơi lội. Trong quá trình khám phá, cơ bắp của họ dần trở nên săn chắc, và thể trạng của họ dần phù hợp hơn với bộ môn bơi lội sau này.
Chính vì thế câu trả lời cho câu hỏi “Làm sao để biết chúng ta muốn được phát triển như thế nào và điều này có tốn thời gian không khi bạn bè đã vượt chúng ta rất xa?” là “Hãy thử nghiệm thật nhiều, vì thời gian bỏ ra tuy lớn nhưng đó là thời gian xứng đáng”.
(Ảnh: Cuốn sách GRIT – Vững tâm bền chí ắt thành công, nguồn Alphabooks)
Và những câu chuyện xảy ra trong thực tế…
Trong thực tế, chúng ta bắt gặp không ít những người đã phải thử nghiệm rất nhiều trước khi biết được điều mình muốn làm là gì.
Tác giả Đặng Hoàng Giang, chủ nhân của các cuốn sách “Đại dương đen”, “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, “Bức xúc không làm ta vô can” đã tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những tác phẩm của ông đầy cảm xúc tự sự mà vẫn mang dáng dấp khoa học bởi cấu kết trình bày logic cùng luận điểm, luận chứng rõ ràng. Đó là minh chứng của việc thử nghiệm thật nhiều, nhưng thử nghiệm đó sẽ bồi đắp cho sự nghiệp về sau của chúng ta.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (Nguồn: Nhân vật cung cấp)
Một ví dụ khác là chị Hà Thiên Kim – Meomeotalks, chị đã từng thử rất nhiều, từ một học sinh chuyên Toán đến chuyên ngành Quan hệ Quốc tế của Trường ĐHKHXH&NV, đến khoa Thiết kế Đa phương tiện tại trường RMIT, đi du học ngành Thiết kế truyền thông, và trở thành một người Quản lý quan hệ khách hàng (Account) tại một Agency quảng cáo và bây giờ còn là một podcaster. Chị Hà Thiên Kim đã nói rằng: “Những thứ chúng ta thử nghiệm, không bổ ngang cũng bổ dọc”, trải nghiệm cũng chính là kinh nghiệm cho chúng ta trong tương lai.
Kết
Thông qua bài viết dài này, mình mong rằng đã đem đến cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh về Áp lực đồng trang lứa, và lời giải để thoát ra khỏi hội chứng này. “Hãy thử nghiệm thật nhiều, vì thời gian bỏ ra tuy lớn nhưng đó là thời gian xứng đáng”.
Nguồn tham khảo:
Ruokonen, A. (1970, January 1). T-shaped model as a tool for personal development – case software industry company’s customer service function. Theseus. Truy xuất ngày 16 tháng Sáu, 2022, từ https://www.theseus.fi/handle/10024/353229
Duckworth, A (2019). GRIT – Vững tâm bền chí ắt thành công. NXB Alpha Books
Commentaires