8 ngành triển vọng giúp bạn tạo tác động bền vững từ tín chỉ Carbon
Nông nghiệp, giao thông, xử lý chất thải hay năng lượng tái tạo… nằm trong số những ngành triển vọng có thể bán nhiều tín chỉ carbon nhất tại Việt Nam.
Hiểu đơn giản, tín chỉ carbon – một khái niệm còn khá mới tại Việt Nam – là "điểm thưởng" môi trường dành cho những nỗ lực cắt giảm hoặc hấp thụ khí CO2 của các dự án bảo vệ môi trường. Với tín chỉ carbon, các dự án bảo vệ môi trường có thể bán lượng carbon giảm thải hoặc hấp thụ được cho những công ty cần bù đắp lượng phát thải của mình. Đối với các bạn trẻ vừa ra trường muốn tìm hiểu và tham gia vào thị trường này, dưới đây là những ngành tiêu biểu có tiềm năng phát triển tín chỉ carbon.
Đầu tiên phải kể đến nông nghiệp, ngành đóng vai trò then chốt trong việc giảm phát thải. Bằng cách áp dụng các phương pháp quản lý bền vững cho đất trồng trọt và đồng cỏ, ngành nông nghiệp có thể tạo ra tín chỉ carbon thông qua việc cô lập carbon trong đất. Hơn nữa, ngành này còn có tiềm năng giảm phát thải khí metan từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt. Đặc biệt ở Việt Nam, trồng lúa nước – vốn là nguồn phát thải metan lớn – lại chính là một điểm mạnh để phát triển tín chỉ carbon.
Kế tiếp là ngành hóa chất và quy trình công nghiệp, nơi tập trung vào việc giảm hoặc loại bỏ khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Với sự tối ưu hóa công nghệ, các doanh nghiệp trong ngành này có thể tạo tín chỉ carbon nhờ những cải tiến trong quy trình, qua đó giảm thiểu lượng khí thải phát sinh.
Trong mảng hiệu quả năng lượng và chuyển đổi nhiên liệu, các dự án thường tập trung vào tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng, nhất là từ nguồn hóa thạch. Bằng cách nâng cao hiệu quả các hệ thống công nghiệp và thiết bị dân dụng, cũng như thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng sinh khối hay khí đốt, các doanh nghiệp vừa giảm lượng carbon phát thải vừa tạo ra tín chỉ carbon từ việc chuyển đổi này.
Một ngành quan trọng khác là lâm nghiệp và sử dụng đất, với các dự án bảo vệ rừng và trồng mới thảm thực vật. Lâm nghiệp không chỉ giảm phát thải nhờ việc ngăn chặn nạn phá rừng mà còn trực tiếp hấp thụ CO2 thông qua việc trồng rừng. Đây là nguồn tín chỉ carbon mang lại lợi ích môi trường lâu dài, đồng thời góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cộng đồng.
Chú Tư Việt - Nhà khoa học của nhà nông - thăm cánh đồng lúa mùa (Ảnh: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn)
Tiếp đến là thiết bị hộ gia đình và cộng đồng – một lĩnh vực mà các dự án tập trung vào những thay đổi nhỏ nhưng lại có tác động lớn tại cấp độ hộ gia đình hoặc cộng đồng. Ví dụ, việc phân phối bếp tiết kiệm năng lượng hay thiết bị lọc nước ở nông thôn giúp giảm nhu cầu phá rừng lấy nhiên liệu, qua đó giảm khí nhà kính và tạo ra tín chỉ carbon từ các hoạt động này.
Một lĩnh vực không thể thiếu là năng lượng tái tạo. Đây là ngành đóng vai trò chủ chốt trong giảm phát thải nhờ vào việc sản xuất năng lượng từ nguồn tái tạo như gió, mặt trời, thủy điện hay địa nhiệt. Khi các nguồn năng lượng này thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, không chỉ lượng carbon giảm đi mà còn có thể tạo ra tín chỉ carbon bền vững cho tương lai.
Trong lĩnh vực giao thông, các dự án giảm phát thải bằng cách tối ưu hóa hệ thống giao thông hoặc khuyến khích phát triển phương tiện công cộng và xe điện. Nhờ đó, các giải pháp giao thông này không chỉ giảm áp lực lên môi trường mà còn tạo thêm tín chỉ carbon.
Cuối cùng là xử lý chất thải, ngành này tập trung vào việc giảm phát thải từ các quá trình phân hủy hữu cơ và xử lý rác. Các dự án trong ngành này thường thu gom và xử lý khí metan, hoặc tái chế vật liệu cũ để giảm khí thải phát sinh từ sản xuất mới, tạo thêm nguồn tín chỉ carbon cho thị trường.
(Theo Ecosystem Marketplace)
Commenti