top of page
Ảnh của tác giảDear Our Community

7 lợi ích khi doanh nghiệp thực hành ESG

ESG trở thành công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp kiểm soát các rủi ro môi trường, tối ưu hóa chi phí năng lượng và tiếp cận nguồn lực tiềm năng một cách hiệu quả. 


Khảo sát của GlobeScan và Visa năm 2021 cho thấy xu hướng rõ rệt khi 47% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn các công ty thể hiện trách nhiệm xã hội. Điều này được củng cố thêm qua nghiên cứu của Deloitte năm 2022, với 39% người tiêu dùng quan tâm đến tính bền vững của thương hiệu và 36% sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ có cam kết phát triển bền vững.


ESG đã phát triển vượt xa khỏi phạm vi một sáng kiến CSR đơn thuần, trở thành ưu tiên kinh doanh toàn cầu và phát triển thành một ngành tiềm năng. Từ góc độ doanh nghiệp, một báo cáo của McKinsey (2021) chỉ ra rằng 83% CEO và lãnh đạo doanh nghiệp nhận định tầm quan trọng ngày càng tăng của CSR-CSV trong hoạt động kinh doanh. Họ kỳ vọng đầu tư vào phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị đầu tư (ROI) cao hơn trong 5 năm tới. Đáng chú ý, các hoạt động CSR-CSV mang lại lợi ích dài hạn và tác động tích cực đến các chỉ số tài chính, giá trị thương hiệu.


ESG (Environment - Governance - Social)

1. ESG: Nâng cao hiệu quả đầu tư

ESG trở thành điều kiện quan trọng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính phát triển bền vững và các khoản vay quốc tế. Minh chứng rõ nét cho xu hướng này là sự tăng trưởng ấn tượng của các quỹ đầu tư ESG, với tổng giá trị tài sản quản lý toàn cầu đạt hơn 35.000 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 36% tổng tài sản đầu tư. Theo báo cáo của BlackRock, các doanh nghiệp đạt chuẩn ESG ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu trung bình từ 5-10% trong vòng 3 năm sau khi được chứng nhận. 


Việc tích hợp ESG vào chiến lược đầu tư không chỉ cải thiện hiệu suất tổng thể của danh mục đầu tư mà còn giúp giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Nghiên cứu của Morningstar cũng cho thấy kết quả ấn tượng khi gần 60% quỹ bền vững hoạt động hiệu quả hơn so với các quỹ truyền thống tương đương trong thời gian 10 năm, đặc biệt thể hiện rõ ưu thế trong những giai đoạn thị trường bất ổn.


Các tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững

Các tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững (Ảnh: WireConsultant)


2. Quản lý rủi ro hiệu quả

Việc áp dụng ESG đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong quản lý rủi ro doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của MSCI (Morgan Stanley Capital International) - một tổ chức nghiên cứu đầu tư hàng đầu chuyên cung cấp các chỉ số chứng khoán và phân tích rủi ro, các doanh nghiệp chú trọng ESG thường ít đối mặt với các vấn đề pháp lý và môi trường. Đáng chú ý, khi xảy ra khủng hoảng, những doanh nghiệp này có thể giảm thiểu tổn thất lên đến 20%. 


Điều này cho thấy năng lực quản lý rủi ro vượt trội của các doanh nghiệp tuân thủ ESG, đặc biệt trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và áp lực về trách nhiệm xã hội.


3. Tiết kiệm chi phí vận hành, năng lượng

Thông qua các thực hành bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, doanh nghiệp có thể giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm từ 10-20% chi phí hoạt động hàng năm. Những sáng kiến cụ thể như giảm thiểu chất thải, tối ưu hóa bao bì và chuyển đổi sang sử dụng đèn LED đã giúp cắt giảm đáng kể chi phí vận hành. 


Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng ngày càng khan hiếm và biến đổi khí hậu đe dọa, việc nâng cao hiệu quả năng lượng trở thành một nhiệm vụ cấp bách đối

Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng ngày càng khan hiếm và biến đổi khí hậu đe dọa, việc nâng cao hiệu quả năng lượng trở thành một nhiệm vụ cấp bách đối. (Ảnh: Keter Environmental Services)


Theo OECD, các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và cải tiến quy trình sản xuất không chỉ đạt được mức tiết kiệm đáng kể mà còn tăng cường được tính cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, việc sử dụng điện mặt trời áp mái có thể giúp doanh nghiệp giảm trung bình 30% chi phí năng lượng, trong đó 10-20% giảm trực tiếp vào chi phí điện và 10% tiết kiệm từ hiệu quả làm mát khi tấm pin phủ toàn bộ nhà máy tại các khu vực có nhiệt độ cao.


4. Tạo lợi thế cạnh tranh

Cam kết mạnh mẽ với ESG giúp nâng cao uy tín doanh nghiệp thông qua việc thể hiện trách nhiệm với môi trường, thúc đẩy đa dạng và bình đẳng cơ hội, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và đạo đức trong các quyết định kinh doanh. 


Nghiên cứu của McKinsey đã chỉ ra rằng hơn 70% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm 5% cho các sản phẩm xanh có chất lượng tương đương sản phẩm thông thường. Thêm vào đó, 88% khách hàng thể hiện sự trung thành cao hơn với những doanh nghiệp tích cực trong các vấn đề xã hội và môi trường.


5. Hỗ trợ tuyển dụng và giữ chân nhân sự

Theo nghiên cứu của Harvard Business Review, các công ty áp dụng ESG ghi nhận tỷ lệ giữ chân nhân viên cao hơn 25% so với các doanh nghiệp chưa áp dụng, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. Xu hướng này được củng cố thêm qua khảo sát của IBM, cho thấy 71% ứng viên ưu tiên tìm kiếm cơ hội làm việc tại các công ty có cam kết phát triển bền vững với môi trường. Điều này phản ánh xu hướng ngày càng tăng của người lao động hiện đại - họ không chỉ quan tâm đến thu nhập mà còn mong muốn được cống hiến cho các doanh nghiệp có ý nghĩa và giá trị xã hội rõ ràng, nơi có môi trường làm việc bền vững và thể hiện trách nhiệm xã hội cao.


 Nhân sự gen Z và millennial đặc biệt quan tâm doanh nghiệp phát triển bền vững khi chọn công việc

 Nhân sự gen Z và millennial đặc biệt quan tâm doanh nghiệp phát triển bền vững khi chọn công việc. (Ảnh: Dear Our Community)


6. Nâng cao hình ảnh và danh tiếng

Thông qua việc tuân thủ các tiêu chí ESG một cách nghiêm túc, doanh nghiệp không chỉ thể hiện được trách nhiệm và đạo đức kinh doanh mà còn tạo dựng được niềm tin vững chắc từ nhiều bên liên quan, bao gồm khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng. Sự tin tưởng này đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp và củng cố vị thế của họ trên thị trường. 


Đặc biệt trong thời đại số hóa hiện nay, khi thông tin được lan truyền nhanh chóng, việc duy trì một hình ảnh tích cực thông qua các hoạt động ESG càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong chiến lược phát triển tổng thể của doanh nghiệp.



7. Tiếp cận thị trường mới

Các tiêu chuẩn ESG đã trở thành điều kiện tiên quyết để tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ. Điều này đặt ra một yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tìm kiếm đối tác mới trên thị trường quốc tế - họ phải tích cực thực hành và tuân thủ các tiêu chuẩn ESG. Việc đáp ứng được các tiêu chuẩn này tạo dựng được uy tín và niềm tin với các đối tác tiềm năng, từ đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và bền vững.


Ánh Chân


0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page