top of page

100 năm dừa sáp Trà Vinh: từ loại quả "vô danh" đến động lực Phát triển Bền vững

Sau 4 năm, Vicosap đã thành công mang quả dừa từ một đặc sản địa phương vươn ra thế giới, và hướng đến con đường Phát triển Bền vững trong tương lai.


Anh Trần Duy Linh, người con của Cầu Kè, Trà Vinh, từng rời quê lập nghiệp. Nơi đất khách, anh nhận ra rằng nhiều vùng miền có đặc sản được chế biến và xuất khẩu khắp nơi, trong khi quả dừa sáp quê mình lại quá thiệt thòi khi chỉ được bán lẻ từng trái, không thể vận chuyển xa do khó bảo quản. Chính điều này đã thôi thúc vợ chồng anh “bỏ phố về quê” khởi nghiệp, thành lập Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè, lấy tên thương hiệu là Vicosap. Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chuyên chế biến các sản phẩm từ dừa sáp, mở ra một chương mới cho loại quả đặc sản này.


phát triển bền vững

Anh Trần Duy Linh (ở giữa) nhận xác lập kỷ lục Việt Nam vì đã nỗ lực chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị đặc sản dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh).


Nỗ lực bảo tồn giá trị bản địa


Nếu dừa xiêm nôm na là dùng để uống, thì dừa sáp lại mang đến một trải nghiệm ẩm thực đặc biệt với phần nước sánh dẻo, hương vị thơm béo khó quên. Cùi dừa sáp chứa nhiều protein, carbohydrate và chất béo, tạo nên sự sảng khoái, nhất là khi thêm đá và chút sữa đặc. Thế nhưng, chính phần sáp này lại khiến dừa sáp dễ lên dầu và nhanh hỏng so với dừa thường, làm cho việc vận chuyển trở nên khó khăn. Do đó, dừa sáp thường chỉ được tiêu thụ tại địa phương, hạn chế cơ hội mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm đa dạng.


Với khao khát bảo tồn giá trị bản địa, năm 2020, xưởng chế biến dừa sáp của vợ chồng anh Linh đã ra đời. Đây không chỉ là bước đi để tận dụng tiềm năng của cây dừa sáp và chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao, mà còn chứa đựng đầy tâm huyết, mong muốn tạo cơ hội việc làm cho người trẻ trở về xây dựng quê hương. Họ tìm mọi cách, áp dụng các phương pháp khoa học và công nghệ thực phẩm nhằm kéo dài thời hạn bảo quản, đưa những sản phẩm từ dừa sáp vươn xa hơn, đặc biệt là chinh phục thị trường quốc tế.


phát triển bền vững

Quả dừa sáp có phần cơm sánh dẻo.


Khi bắt tay vào khởi nghiệp, Vicosap đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chế biến dừa sáp, họ gặp phải thách thức đầu tiên từ việc thiếu máy móc phù hợp trên thị trường. Không có sẵn thiết bị, Vicosap phải tự thiết kế, chế tạo, và điều chỉnh liên tục, làm tăng chi phí sản xuất. Đồng thời, việc tuyển dụng nhân lực có trình độ cao ở vùng quê cũng không hề dễ dàng, vì phần lớn là lao động phổ thông. Điều này buộc Vicosap phải mở văn phòng tại Cần Thơ để thuận tiện hơn trong việc tuyển dụng và quản lý kinh doanh.


Hiện, các sản phẩm từ dừa sáp ngày càng đa dạng và được ưa chuộng, đặc biệt là ở thị trường châu Âu. Những sản phẩm như dừa sáp sợi, dừa sáp sấy khô giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy khô giòn tan, kẹo dừa sáp, và nhiều loại sản phẩm khác đã được phát triển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. 


phát triển bền vững

Công nhân làm kẹo dừa sáp.

Hành trình đi tìm cội nguồn của quả dừa sáp Trà Vinh

Khi thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường, vợ chồng anh Linh quyết định đi tìm lại cội nguồn chính xác của dừa sáp với tâm niệm: “Nếu không tìm về nguồn gốc, thì sau này sẽ mất gốc và không ai biết đến nơi xuất xứ của loại quả này”, Chị Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè, chia sẻ với Dear Our Community (DOC).


Hành trình “quay ngược quá khứ” của Vicosap là một câu chuyện dài, đầy thách thức khi phải lần mò hàng đống tư liệu và lời kể của người dân địa phương. Qua sự hỗ trợ của các nhà sư và những nhân chứng sống, họ đã xác định rằng quả dừa sáp được nhà sư Thạch Sô, người được mệnh danh là “ông tổ dừa sáp Trà Vinh”, đưa từ Campuchia về Trà Vinh vào năm 1924. Ban đầu, chỉ một trong hai cây giống sống sót, được trồng trong khuôn viên chùa Botumsakor (chùa Chợ) tại thị trấn Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. 


phát triển bền vững

Gốc dừa sáp đầu tiên trưng bày tại Bảo tàng dừa sáp Trà Vinh.


Điểm đặc biệt của giống này là một buồng dừa chỉ có vài trái sáp. Và ngay khi nếm thử những quả dừa sáp đầu tiên, người ta phát hiện vị dẻo thơm, béo ngậy của cơm dừa, khác hẳn các loại dừa thông thường. Xác định đây là giống dừa quý “có một không hai” tại Việt Nam, nên người dân địa phương rất trân trọng, giữ gìn và từ đó nhân giống dừa sáp tại các vùng lân cận như Cầu Kè, Hòa Ân. Và chỉ vùng đất Trà Vinh mới có thể trồng dừa sáp đạt chất lượng, khiến nơi đây trở thành "thủ phủ" của loại quả đặc sản này.


Thách thức và tầm nhìn Phát triển Bền vững

Từ lúc khởi nghiệp đến nay, doanh nghiệp đã trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Việc xây dựng hệ thống phân phối gặp khó khăn, họ phải dựa vào kênh bán hàng online trong gần hai năm để duy trì hoạt động.


Một trong những thách thức lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt là việc bảo tồn giống dừa sáp bản địa trong bối cảnh công nghệ đang ngày càng phát triển. Nhiều người bắt đầu tìm cách trồng dừa sáp ở các vùng khác, có thể dẫn đến nguy cơ mất đi giá trị đặc sản của Trà Vinh. Do đó, doanh nghiệp đang tìm cách kết hợp với nông hộ để phát triển vùng nguyên liệu địa phương, trồng dừa sáp theo phương pháp hữu cơ nhằm bảo tồn và phát triển giống dừa sáp.


phát triển bền vững

Không chỉ dừng lại ở sản xuất, Vicosap cũng đóng góp vào phát triển du lịch Trà Vinh, nơi còn gặp nhiều hạn chế về giao thông và hạ tầng. Bằng cách kết hợp với các nông hộ, họ đã xây dựng các trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nhằm giới thiệu đến du khách về văn hóa và lịch sử của Trà Vinh. Mới đây, việc thành lập Bảo tàng Dừa Sáp Trà Vinh và tổ chức các hoạt động gắn liền với văn hóa Khmer đã thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, giúp họ hiểu hơn về giá trị bản địa và tài nguyên của quê hương.


phát triển bền vững

Chị Lâm Ngọc Tú (bìa phải) giới thiệu sản phẩm tại hội chợ quốc tế.


Xuất phát từ lòng đam mê và tình yêu quê hương, Vicosap không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp chế biến dừa sáp mà còn đặt mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong, chuyên nghiệp và uy tín trong lĩnh vực này. Chị Tú tiết lộ với DOC: "Vicosap đã và đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa sáp theo xu hướng plant-based, phù hợp với thị hiếu của thị trường thế giới." Song song đó, với định hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp đã không ngừng học hỏi và tham gia các khóa tập huấn về chứng nhận và quy trình chế biến thực phẩm để tiếp cận nhiều thị trường nước ngoài, đưa đặc sản Trà Vinh vươn xa.


Yanie Ha


0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page