CHAT GPT và AI khiến lượng phát thải của Google tăng gần 50%
Quá trình đào tạo và vận hành các mô hình AI phức tạp như Gemini của Google và GPT-4 của OpenAI đòi hỏi sự hỗ trợ của các trung tâm dữ liệu khổng lồ, tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể.
Báo cáo môi trường gần đây của Google đã hé lộ một thực tế đáng lo ngại: lượng khí nhà kính do công ty thải ra đã tăng gần 50% trong 5 năm qua. Chỉ riêng năm 2023, tổng lượng phát thải của Google đã tăng 13% so với năm trước đó. Nguyên nhân chính được cho là do mức tiêu thụ điện năng tăng cao tại các trung tâm dữ liệu và lượng khí thải từ chuỗi cung ứng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030 của công ty.
Tương tự, Microsoft cũng ghi nhận sự gia tăng “không hề nhẹ” trong lượng khí thải CO2, với mức tăng gần 30% kể từ năm 2020. Điều này gây khó khăn cho kế hoạch đạt mức phát thải carbon âm vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn lượng carbon đã thải ra từ trước đến nay vào năm 2050 của họ.
Google công bố việc tích hợp mô hình trí tuệ nhân tạo Gemini
AI là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu?
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này đặt ra những thách thức môi trường đáng kể, đặc biệt đối với các gã khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft.
AI, đặc biệt là AI tạo sinh, đang trở thành một trong những yếu tố chính góp phần vào việc tăng tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Quá trình đào tạo và vận hành các mô hình AI phức tạp như Gemini của Google và GPT-4 của OpenAI đòi hỏi sự hỗ trợ của các trung tâm dữ liệu khổng lồ, tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lượng điện tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu có thể tăng gấp đôi từ mức năm 2022 lên 1.000 TWh vào năm 2026, tương đương với nhu cầu điện của cả nước Nhật Bản. Công ty nghiên cứu SemiAnalysis thậm chí dự đoán rằng AI sẽ chiếm tới 4,5% sản lượng năng lượng toàn cầu vào năm 2030.
AI tạo sinh (Generative AI) là một dạng AI tiếp nhận thông tin đầu vào của người dùng và đưa ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh hoặc bài hát
Ngoài tiêu thụ điện năng, quá trình phát triển AI còn gây ra các vấn đề môi trường khác. Lượng khí thải carbon từ quy trình sản xuất, vận chuyển máy chủ và chip máy tính cũng đáng kể. Hơn nữa, việc sử dụng nước trong các trung tâm dữ liệu là vấn đề đáng quan tâm. Một nghiên cứu của Đại học Cornell ước tính AI có thể sử dụng tối đa 6,6 tỷ m3 nước vào năm 2027, tương đương 2/3 lượng nước tiêu thụ hằng năm tại Anh.
Sử dụng công nghệ có trách nhiệm
Giải quyết thách thức môi trường từ AI đòi hỏi nỗ lực tổng thể từ nhiều bên liên quan. Các công ty công nghệ cần đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng tại các trung tâm dữ liệu. Song song đó, việc phát triển các thuật toán AI tiết kiệm năng lượng hơn luôn là một hướng đi quan trọng.
Người dùng cũng đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu tác động môi trường của AI. Bằng cách sử dụng công nghệ có ý thức, chỉ khi thực sự cần thiết và mang lại lợi ích đáng kể, chúng ta có thể giảm nhu cầu năng lượng không cần thiết. Việc liên tục đánh giá mục đích sử dụng AI, ưu tiên các nền tảng hiệu quả về năng lượng, và ủng hộ các công ty đầu tư vào năng lượng tái tạo là những hành động thiết thực. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tận dụng được sức mạnh của AI mà không phải đánh đổi bằng tương lai của bất kỳ ai.
Ánh Chân
Commenti